Đệ Thập Tam Tắc (Bài Thứ Mười Ba)

ĐỆ THẬP TAM TẮC

ĐỨC SƠN THÁC BÁT

 

  • CỬ:

Đức Sơn nhất nhật thác bát hạ đường,

kiến Tuyết Phong vấn:

      — Giả lão hán, chung vị minh, cổ vị hưởng, thác bát hướng thậm xứ khứ?

Sơn tiện hồi phương trượng.

Phong cử tự Nham Đầu. Đầu vân:

      — Đại tiểu Đức Sơn, vị hội mạt hậu cú.

Sơn Văn, lệnh thị giả hoán Nham Đầu lai, vấn viết:

      — Nhữ bất khẳng lão tăng na?

Nham Đầu mật khải kỳ ý. Sơn nãi hưu khứ.

Minh nhật thăng toà, qủa dữ tầm thường bất đồng. Nham Đầu chí tăng đường tiền, phụ chưởng đại tiếu vân:

      — Thả hỷ đắc lão hán hội mạt hậu cú. Tha hậu thiên hạ nhân bất nại y hà.

 

  • BÌNH:

Nhược thị mạt hậu cú, Nham Đầu, Đức

Sơn câu vị mộng kiến tại. Kiểm điểm tương lai, hảo tự nhất bẳng khôi lỗi.

 

  • KỆ TỤNG:
  • Biết được câu khởi đầu,

    Hiểu liền câu rốt chót.

    Rốt chót với đầu câu,

    Phải đâu là câu ấy.  

 

BÀI THỨ MƯỜI BA

ĐỨC SƠN BƯNG BÁT

 

  • CÔNG ÁN: 

Một hôm[1] ngài Đức Sơn[2] bưng bát ra khỏi thiền đường. Tuyết Phong[3] hỏi:

      — Cái lão già, chuông chưa gióng, trống chưa điểm[4] mà bưng bát đi đâu?

Sư liền lui về phương trượng[5].

Tuyết Phong kể chuyện lại cho Nham Đầu.[6] Nham Đầu nói:

      — Đường đường là hoà thượng Đức Sơn mà chưa hiểu câu nói tối hậu.

Sư nghe được, sai thị giả[7] gọi Nham Đầu vô hỏi:

      — Ông chê lão tăng à?

Nham Đầu nói nhỏ ý mình. Sư bèn thôi.

     Hôm sau Sư thăng đường[8], quả nhiên khác vẻ thường. Nham Đầu ra trước chúng, vỗ tay cười lớn nói:

     — Cũng may lão già biết câu tối hậu. Mai mốt thiên hạ chẳng ai làm gì nỗi lão.

 

  • LỜI BÀN:

Nếu là câu tối hậu, cả Nham Đầu và Đức Sơn trong mộng cũng còn chưa thấy được. Xét kỹ lại, chẳng khác chi một bầy tượng gỗ.

 

  • TỤNG:

Thức đắc tối sơ cú,

Tiện hội mạt hậu cú.

Mạt hậu dữ tối sơ,

Bất thị giả nhất cú.


[1] Có bản còn ghi thêm: Cơm muộn (Phạn vãn).

[2] Đức Sơn: (779-865) Pháp danh Tuyên Giám, môn đệ của Long Đàm. Năm 845, gặp thời Pháp nạn (Do lệnh vua Đường, hơn 40 ngàn tự viện bị thiêu huỷ, khoảng 260 ngàn tăng ni bị ép phải hồi thế), phải sống ẩn dật ở núi Độc Phù. Hai năm sau được vua mời trụ trì Đức Sơn Thiền Viện, do đó mới có hiệu Đức Sơn. Thường có lối giáo hoá rất kỳ đặc: dùng bổng đánh học tăng đến tham thỉnh, dù họ nói đúng hay sai, nói hay không nói.

[3] Tuyết Phong: (882-908) Pháp danh Nghĩa Tồn. Môn đệ của Đức Sơn. Khi Đức Sơn đã tịch, nhân một hôm cùng Nham Đầu hành cước tá túc tại một túp lều, được Nham Đầu khai ngộ. Năm 47 tuổi, dựng am bên cạnh tháp thầy (Đức Sơn), có khoảng 1500 người đến tham học. Đó là một cảnh núi bốn mùa lạnh lẽo, nhân đó gọi là núi Tuyết Phong.

[4] Chuông chưa gióng, trống chưa điểm: Chuông trống báo giờ ngọ, giờ cơm chính thức. Ở các chùa Thiền, buổi sáng người ta thường dùng cháo, trưa giờ ngọ là buổi cơm chính. Sau giờ ngọ xem như không dùng gì nữa. Nếu có dùng một vài đồ nhẹ thì gọi là dược thạch.

[5] Phương trượng: Do tích tư thất của ngài Duy Ma Cật ở Ma Kiệt Đà vuông vức mỗi bề một trượng (tài liệu của ngài Huyền Trang), chỉ chỗ ở chính thức của hoà thượng trụ trì trong một tự viện.

[6] Nham Đầu: (828-887) Thiền sư trứ danh đời Đường môn đệ của Đức Sơn. Thường được nhắc đến với tiếng hét lan xa mấy dặm khi ngài bị kẻ cướp giết. Sự việc này biến thành một công án trong giới học Thiền.

[7] Thị giả: chỉ những môn đệ thân cận, hầu hạ bậc tông sư.

[8] Thăng đường: Còn gọi là thượng đường, lên giảng đường để nói pháp.