Kinh Di Lặc Quyển Thượng

KINH QUÁN DI – LẶC SANH LÊN CẢNH TRỜI ĐÂU – SUẤT

ĐOÀN – TRUNG – CÒN dịch [1]

TÔI có nghe như vầy (tức là lời ngài A-Nan thuật lại):

Có một lúc đó, đức Phật ngự tại thành Xá-vệ (sravasti)[2], trong đám cây của ông thái tử Kỳ-Đà (Jetrjeta), tức là trong cảnh vườn mà ông trưởng giả Cấp-Cô-Độc (Anathapindika) đã mua và tu bổ thành Tịnh-xá mà cúng cho Giáo-hội do đức Phật cầm đầu.

       Lúc ấy, vào đầu hôm, đức Thế-tôn cất mình phóng ra ánh-sáng; ánh-sáng ấy màu vàng ròng, bao phủ chung-quang vường Kỳ-đà, bủa khắp bảy vòng, chiếu tới nhà ông Tu-đạt-Đa (Sudatta, tức là ông Cấp-cô-Độc), cũng túa ra màu vàng ròng.

       Trong ánh-sáng ấy, có vô-lượng trăm ngàn chư vị Đại Hóa-Phật đồng xướng lên rằng:

       “Nay ở cõi này, có một ngàn vị Bồ-Tát; vị Bồ-tát thành Phật trước nhứt tên là Phật Câu-lâu-Tôn; và vị sẽ thành Phật sau rốt là ngài Lâu-Chí.” [3] Chư Đại-Hóa-Phật phán mấy lời ấy rồi thì ông A-Nhã Kiều-Trần-Như (ajnâ Kaudinya) ra khỏi cơn thiền định, cùng hội họp với quyến-thuộc là hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo; Tôn giả Ma-ha Ca-Diếp (Maha-Kacyapa) cùng hội họp với quyến-thuộc là hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo; Tôn giả Đại Mục-Kiều-Liên (Mahâ-Maudgalyâyana) cùng hội họp với quyến- thuộc là hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo; Tôn giả Xá-lỵ-Phất (Cariputra) cùng hội họp với quyến-thuộc là hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo; Bà Tỳ-kheo-ni Ma-ha Bà-xà-bà-Đề (Mahâ-Pradjâpati) cùng hội họp với quyến-thuộc là một ngàn vị Tỳ-kheo-ni; ông Trưởng giả Tu-Đạt cùng hội họp với ba ngàn vị Ưu-bà-tắc (đờn-ông tu tại-gia); bà lão Tỳ-xá-Khư cùng hội họp với hai ngàn vị Ưu-bà-di (đờn-bà tu tại-gia).

       Lại có vị Bồ-tát tại-gia tên là Bạt-đà bà-La (Bhaprapâla) cùng hội họp với quyến-thuộc là mười sáu vị Bồ-tát tại-gia; ngài Pháp-vương-tử [4] là Văn-thù-sư-Lỵ (Mânjuri) hội họp với quyến-thuộc là năm trăm vị Bồ-tát; chư Thiên (Tiên trên Trời), Long (Rồng), Dạ-xoa (Yakchas, loài thần quỷ mạnh mẽ, lẹ làng), Càn-thát-bà (Gandharvas, Thần âm-nhạc) v.v… tất cả Đại-chúng thấy ánh quang-minh của Phật, thảy đều hội lại chỗ Phật ngự.

       Lúc ấy, đức Thế-tôn đưa cái lưỡi rộng và dài của Ngài ra, phóng ra ngàn ánh quang-minh; mỗi ánh quang-minh đều có ngàn màu; trong mỗi màu, có vô-lượng chư Phật. Chư vị Hóa-Phật này tuy khác miệng mà đồng lời, thảy đều nói ra những môn Đà-la-ni [5] thanh-tịnh, thâm-thẩm, không có thể nghĩ, bàn của chư Đại Bồ-tát, như là: Đà-la-ni A-nan-đà Mục-khư, Đà-la-ni Không-huệ, Đà-la-ni Vô-môn, Đà-la-ni Đại giải-thoát vô-tướng v.v.

       Lúc ấy, đức Thế-tôn dùng một giọng nói mà thuyết ra trăm ức môn Đà-la-ni.

       Ngài thuyết những Đà-la-ni ấy rồi, lúc ấy, trong Hội có một vị Bồ-tát tên là Di-Lặc (Maitreya, dịch nghĩa: Từ-Thị) vừa nghe Phật thuyết, liền được trăm ức môn Đà-la-ni. Bèn đứng dậy khỏi chỗ ngồi, sắp sửa y-phục lại cho tề-chỉnh, so tay chắp lại, đứng ngay trước Phật.

       Lúc ấy, ông Ưu-ba-Ly [6] cũng đứng ậy khỏi chỗ ngồi, làm lễ đầu và mặt chí đất, rồi bạch Phật rằng: “Thế-Tôn! Từ trước, trong tạng Tỳ-ni (Tỳ-nại-da, Vinaya, ấy là tạng Luật) và trong tạng Kinh đều có nói rằng ông A-dật-Đa [7] sẽ thành Phật kế tiếp theo Ngài. Nhưng ông A-dật-Đa đây vẫn còn đủ cái thân phàm-phu, chưa đoạn tuyệt các mối lậu (trìu mến, phiền não). Chừng mạng chung, ông ấy sẽ sanh về đâu? Tuy nay ông lại xuất gia, chớ chẳng tu thiền-định, chẳng dứt phiền não, thế mà Phật phán rằng ông ấy sẽ thành Phật, không còn nghi ngờ. Ông ấy chừng mạng chung sẽ sanh lại quốc-độ nào?”

       Phật phán với ông Ưu-ba-Ly rằng:

       “Hãy nghe cho kỷ! Hãy nghe cho kỷ! Và hãy khéo suy xét! Bực Như-lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri [8] nay ở trong Chúng đây, sắp nói việc thọ-ký quả Chánh-đẳng Chánh-giác cho Di-Lặc Bồ-tát Ma-ha-tát. Ông ấy đền mười hai năm nữa thì qua đời, liền vãng sanh trên cảnh Trời Đâu-suất. [9]

       Chừng ấy, ở trên Trời Đâu-suất-đà có năm trăm vạn ức vị Thiên-tử [10]. Mỗi vị Thiên-tử đều có tu-tập một cách cao sâu Độ Bố-thí, vì muốn cúng-dường bực Nhứt sanh bổ-xứ Bồ-tát (Bồ-tát chỉ còn sanh ra một lần nữa thì được bổ đi làm Phật), nên dùng sức phước-đức của người Tiên mà tạo tác ra cung-điện. Các vị bèn cổi Chiên-đàn, Ma-ni [11] và lột Mão báu xuống, quì mọp, chắp tay và phát lời nguyện này:

       “Nay tôi đem hột Bảo-châu vô-giá này và Mão Tiêu mà cúng-dường cho bực “Đại tâm chúng-sanh”. Ngài là người còn chẳng bao lâu sẽ tái thế và thành bực Chánh- đẳng Chánh-giác (Phật). Nếu tôi

được ở trong cảnh quốc-giái trang-nghiêm của đức Phật ấy và được thọ-ký, thì nguyện cho Mão báu của tôi hóa thành đồ cúng”.

       Tất cả các vị Thiên-tử đều quì mọp và phát thệ nguyện rộng lớn như vậy hết.

       Lúc ấy, chư Thiên-tử phát ra lời nguyện ấy rồi, thì những Mão báu hóa làm năm trăm vạn ức cung-điện báu. Mỗi cảnh cung-điện báu có bảy lớp tường. Mỗi lớp tường đều hiệp lại bằng-bảy món báu. Mỗi món báu phóng ra năm trăm ức ánh sáng quang-minh. Trong mỗi ánh quang-minh, có năm trăm ức hoa sen. Mỗi hoa sen hóa làm năm trăm ức hàng cây bảy món báu. Mỗi lá cây có năm trăm ức sắc báu. Mỗi sắc báu có năm trăm ức ánh quang minh màu vàng như cát dưới sông lối cây Diêm-phù. Trong mỗi ánh quang-minh màu vàng ấy, hiện ra năm trăm ức chư Bảo-nữ ở cảnh Tiên. Mỗi vị Bảo-nữ đứng nơi gốc cây, cầm trăm ức món báu, vô-số hột chuỗi ngọc đưa ra tiếng nhạc êm ái mầu nhiệm. Trong tiếng nhạc có diễn-thuyết các hạnh Pháp luân[12] đưa đến Địa-vị Chẳng hề thối lui.[13] Các cây báu sanh ra trái màu như màu pha-lê. Tất cả các màu đều nhập vào màu pha-lê.

       Các ánh quang-minh ấy đều dịu dàng xây tròn theo chìu tay mặt, lưu-loát đưa ra nhiều thứ tiếng. Những tiếng này đều diễn thuyết về Giáo-pháp Đại-từ Đại-bi.

       Mỗi bức từng bề cao là sáu mươi hai do tuần [14], bề dày là mười bốn do-tuần, có năm trăm ức Long-vương bao quanh bức tường ấy. Mỗi vị Long-vương phan nước xuống năm trăm ức hàng cây bảy món báu, làm cho trang-nghiêm xuê-lịch trên bức tường. Tự-nhiên có gió thổi động những cây ấy; cây khua đụng với nhau thành ra tiếng diễn-thuyết những Độ: Khổ, Không, Vô-thường, Vô-ngã.[15]

       Lúc ấy, trên cung-điện ấy có một vị Thần lớn tên là Lao-độ bạt-Đề, đứng dậy khỏi chỗ ngồi, làm lễ khắp cả chư Phật trong Mười phương, rồi phát lời thệ-nguyện rộng lớn này: “Như phước đức của tôi đủ sức tạo ngôi Thiện-pháp-đường cho Bồ-tát Di-Lặc, thì khiến cho trên trán tôi tự-nhiên xuất hiện ra bảo-châu.”

       Lời nguyện ấy vừa phát ra rồi, trên trán tự-nhiên xuất hiện ra năm trăm ức bảo-châu, lưu-ly, pha-lê, tất cả các sắc đều có đủ như ngọc ma-ni tía, xanh ánh suốt trong và ngoài. Ánh-sáng của ngọc ma-ni ấy xoay – vần trong không-gian, hóa làm bốn mươi chín từng bảo-cung mầu-nhiệm; còn mỗi hàng lan-can thì do vạn ức bảo-châu ma-ni ở cảnh Phạm-thiên hiệp lại mà thành. Trong khoảng lan-can, tự-nhiên hóa sanh chín ức vị Thiên-tử, năm trăm úc vị Thiên-nữ. Trong tay mỗi vị Thiên-tử hóa sanh vô-lượng ức vạn hoa sen bằng bảy món báu. Trên mỗi đóa hoa sen, có vô-lượng ức ánh-sáng. Trong ánh-sáng ấy, có đủ các món nhạc. Các món Thiên-nhạc ấy, không ai đánh mà tự-nhiên kêu. Tiếng vừa trổi lên thì chư Thiên-nữ tự-nhiên cầm lấy các món nhạc, đua nhau đứng dậy và ca, múa; tiếng vịnh ca đều diễn thuyết Mười đều lành [16] và Bốn đều thệ-nguyện lớn [17] Chư Thiên nghe được, thảy đều phát tâm cầu quả Phật tức là quả Đạo Vô-thượng.

       Lúc ấy, trong các cảnh vườn, đều có ao chứa nước lưu-ly tám sắc. Mỗi ao dùng năm trăm ức châu báu hiệp lại mà thành. Trong mỗi ao, có nước tám vị [18] và đủ tám sắc. Nước ấy vượt lên, quanh theo cột trụ; phía ngoài bốn cửa lại hóa sanh ra bốn đóa hoa; dòng nước từ trong hoa chảy ra, xem như hoa báu trồi trên mặt nước. Trên mỗi đóa hoa, có hai mươi bốn vị Thiên-nữ, thân sắc vi-diệu như thân-tướng trang-nghiêm của chư Bồ-tát, trong tay tự-nhiên hóa ra năm trăm ức món đồ báu; mỗi món đồ báu đều tự-nhiên đựng đầy chất cam-lộ [19] trên Thiên-đình. Những vị Thiên-tử ấy đeo nơi vai tả vô-lượng ngọc anh-lạc; còn vai hữu lại mang vô-lượng những món nhạc, từ trong ngước hiện ra như mây trụ trên không, bèn khen ngợi sáu Độ [20] của Bồ-tát.

       Như có ai vãng sanh trên trời Đâu-suất, tự-nhiên được chư Thiên-nữ ấy hầu hạ; lại cũng có ngôi đại-sư-tử [21] bằng bảy món báu, cao bốn do-tuần, trang-nghiêm bởi chất vàng dưới sông lối cây Diêm-phù và bởi vô-lượng các vật báu. Trên bốn gốc ngôi ấy, mọc lên bốn hoa sen; mỗi hoa sen do trăm món báu hiệp thành; mỗi món báu phóng ra trăm ức ánh-sáng. Ánh-sáng này mầu-nhiệm, hóa làm năm trăm ức các thứ hoa khác nhau bằng các món báu mà làm trang-nghiêm chốn bảo-trưởng.

       Lúc ấy, trong Mười phương diện [22], trăm ngàn vị Phạm-vương (Brahmas) mỗi vị đều có cầm một món báu mầu-nhiệm ở cảnh Phạm thiên [23] mà làm cái chuông báu treo trên bảo-trướng. Còn những vị Tiẻu Phạm-vương thì cầm những món báu trên Thiên-đình mà làm thành lưới che trùm trên trướng.

        Lúc ấy, trăm ngàn và vô-số quyến-thuộc của những vị Thiên-tử, Thiên-nữ đều cầm hoa báu mà rảy lên trên ngôi. Những hoa sen ấy tự-nhiên xuất hiện năm trăm ức vị Bảo-nữ, tay cầm phất trắng, đứng hầu trong trướng. Có bốn cây trụ báu chống đỡ một gốc Cung. Mỗi cây trụ báu có trăm ngàn từng lầu, đều dùng châu ngọc ma-ni ở cảnh Phạm nối kết với nhau lòng thòng. Lúc ấy, trong những từng lầu đều có trăm ngàn vị Thiên-nữ sắc đẹp không ai bằng, tay cầm những món nhạc. Trong tiếng nhạc có diễn-thuyết những ĐỘ: KHỔ, KHÔNG, VÔ-THƯỜNG, VÔ NGÃ. Những cảnh thiên-cung ấy có trăm ức vạn và vô-lượng bảo-sắc; mỗi vị thiên-nữ cũng đồng là bảo-sắc cả.

       Lúc ấy, vô-lượng chư Thiên ở Mười phương hễ mạng chung đếu nguyện vãng sanh về Đâu-suất Thiên cung.

       Lúc ấy, ở Đâu-suất Thiên-cung, có năm vị Thần lớn:

  1. Vị Thần lớn thứ nhứt tên là Bảo-Tràng, từ trong mình đổ xuống như mưa bảy thứ châu báu mà rãi trong vòng tường Cung. Mỗi thứ châu báu hóa thành vô-lượng món nhạc treo nơi không-trung, không đánh mà tự-nhiên kêu, có vô-lượng âm-thinh làm cho chúng-sanh thích ý.
  2. Vị Thần lớn thứ nhì tên là Hoa-Đức, từ trong chính mình đổ xuống như mưa những hoa che phủ trên tường Cung, hóa thành lọng hoa. Mỗi cái lọng hoa có trăm ngàn cờ phướn dẫn đầu.
  3. Vị Thần lớn thứ ba tên là Hương Âm, từ các lỗ chơn long nơi mình tuôn xuống như mưa thứ hương thơm vi-diệu của chất Chiên – đàn Hải – thử ngạn[24]. Hương này như mây, làm ra trăm sắc báu mà quanh lộn theo Cung bảy vòng.
  4. Vị Thần lớn thứ tư tên là Hỷ Lạc, đổ xuống như mưa những hột châu như-ý. Mỗi hột bảo-châu tự-nhiên trụ trên cờ phướn, nói ra vô-lượng những câu Qui-y Phật, Qui-y Pháp, Qui-y Tỳ-kheo Tăng, cùng là giảng thuyết về Ngũ-giái, vô-lượng pháp lành, các pháp Ba-la-mật, tức là các Hạnh tu đưa đến Niết-bàn, thảy đều có lợi-ích và khuyến khích, trợ-dương tấm lòng Bồ-đề.
  5. Vị Thần lớn thứ năm tên là Chánh Âm-Thinh, từ nước trong các lỗ chơn lông nơi mình chảy ra những thứ nước. Trên mỗi thứ nước, có năm trăm ức đóa hoa. Trên mỗi đóa hoa, có hai mươi lăm vị Ngọc-nữ. Từ trong lỗ chơn lông nơi mình của mỗi vị Ngọc-nữ, xuất hiện ra tất cả các thứ âm-thinh ăn đứt những điệu âm-nhạc của Hoàng-hậu ở cảnh Thiên-ma[25].

       Phật phán với ông Ưu-ba-Ly rằng: “Đó kêu là cảnh Đâu-suất-đà Thiên là chỗ phước-đức báo-ứng thắng-diệu nhờ tu hành Mười điều Lành vậy. Dẫu cho ta ở lại cõi thế trong một Tiểu-kiếp[26] mà thuyết rộng những sự báo-ứng của bực Bồ-tát còn sanh ra một lần nữa thì được bổ đi làm Phật, cùng là giảng về quả-báo của Mười điều lành, thì nói cũng chẳng cùng. Cho nên nay ta giải sơ cho các ngươi nghe mà thôi”.

       Phật phán với ông Ưu-ba-Ly rằng: “Như có bực Tỳ-kheo cùng la tất cả Đại-chúng chẳng chán vòng sanh-tử, những ai thích sanh lên cõi Trời, những ai có lòng yêu kính quả Phật tức là quả Bồ-đề cao trỗi hơn hết, những ai muốn làm đệ-tử của Di-Lặc thì nên làm phép quán-tưởng ấy.

       Hễ làm phép quán-tưởng ấy thì nên giữ Năm giái, Tám trai[27] hoặc Giái trọn vẹn của nhà Sư, thân tâm cho tinh-tấn, chẳng cầu đoạn trừ hết các phiền-não trìu-mến, mà hãy tu hành theo Mười điều lành, mỗi lúc hằng nhớ tưởng tới cảnh Đâu-suất-đà Thiên, trên ấy có mọi sự khoái-lạc, cao-trỗi, nhiệm-mầu. Làm phép quán-tượng như vậy kêu là CHÁNH-QUÁN. Còn như làm phép quán-tưởng khác kêu là tà-quán”.

       Phật phán với ông Ưu-ba-Ly rằng: “Đó kêu là nhơn-duyên của Bồ-tát Di-Lặc từ giã cõi Diêm-phù-đề nầy mà sanh lên cảnh Đâu-suất-đà Thiên. Sau khi ta tịch diệt rồi, trong chư Đệ-tử của ta, có những ai tinh-cần tu-tập các công-đức, oai-nghi trọn đủ, quét tháp, tô đất, dùng các thứ hương có danh-tiếng và các thứ hoa vi-diệu mà cúng dường, tu hành các môn Tam-muội, vào sâu trong phép Thiền-định, đọc tụng Kinh-điển; những hạng người ấy cần phải chí-tâm, tuy chẳng đoạn trừ phiền-não trìu-mến, mà cũng như đắc đủ Lục-thông[28], nên để trọn tâm mà nhớ tưởng hình tượng Phật, xưng-niệm danh-hiệu đức Di-Lặc. Những hạng người ấy, dầu trong một khoảnh khắc mà thọ trì Tám giái trai, tu hành các tịnh-nghiệp, phát thệ-nguyện rộng lớn, thì sau khi mạng chung, cũng tỷ như người tráng-sĩ vừa lúc co cánh tay và duỗi ra, thì liền được vãng sanh trên cảnh trời Đâu-suất-đà, ngồi kiết-già trên hoa sen; có trăm ngàn vị Thiên-tử trỗi nhạc trên Thiên-đình, tay cầm hoa Mạn-đà-la[29] mà rẫy lên trên mình, còn miệng thì khen rằng: “Lành thay! Lành thay! Thiện-nam-tử! Ông ở cõi Diêm-phù-đề, nhờ rộng tu phước-nghiệp, nên sanh lại chốn nầy. Chốn nầy kêu là Đâu-suất-đà Thiên, hiện nay đức Chúa thượng cảnh Trời nầy là ngài Di-Lặc. Vậy ông nên quy-y nơi Ngài”.

Vừa nghe qua lời ấy, người vãng-sanh liền làm lễ.

Lễ xong, bèn châm chú nhìn cái ánh-sáng tủa ra từ nơi chòm lông trắng giữa cặp chang mày của đức Di- Lặc, liền đó được siêu thoát khỏi tội-báo trong chín mươi ức Kiếp sanh-tử.

Lúc ấy, đức Bồ-tát tùy theo căn duyên từ trước của người ấy mà giảng dạy Diệu-pháp, khiến cho tâm-ý được kiên cố, chẳng thối bước đối với quả Phật là quả Đạo cao trỗi hơn hết.

Những hạng chúng-sanh ấy nếu giữ cho các nghiệp (thân, ngữ, ý) đều được thanh-tịnh, tu hành theo Sáu pháp[30], thì ắt hẳn không còn nghi ngờ, sẽ được sanh lên cảnh Trời Đâu-suất, gặp gỡ đức Di-Lặc, lại được theo đức Di-Lặc mà xuống cõi Diên-phù-đề, dự vào hàng nghe Pháp đầu tiên; rồi qua các đời sau, được gặp gỡ tất cả chư Phật trong Hiền Kiếp nầy; rồi đến thời-kỳ Tinh-tú –Kiếp[31], cũng sẽ được gặp gỡ đủ hết chư Phật Thế-tôn, được chư Phật đối diện mà thọ-lý cho mình quả Bồ-đề”.

Phật phán với ông Ưu-ba-Ly rằng: “Chừng ta tịch diệt rồi, những hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già[32], trong các hàng Đại chúng ấy, nếu ai được nghe danh-hiệu đức Di-Lặc Bồ-tát Ma-ha-tát, nghe rồi liền hoan-hỷ, cung kính, lễ bái, thì người ấy chừng mạng chung, trong phút chút như khảy ngón tay, liền được vãng sanh như hạng vừa nói trên chớ không khác gì. Còn những ai chỉ được nghe qua danh-hiệu của đức Di-Lặc, chừng mạng chung cũng khỏi đọa nơi miền hắc-ám, nơi biên-địa tà kiến[33], khỏi chịu những luật-lệ, nghi-pháp độc hại, thường sanh chánh-kiến, quyến-thuộc thành-tựu, không chê bai Tam bảo”.

Phật phán với ông Ưu-ba-Ly rằng: “ Như có hàng thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn phạm những giái cấm, tạo ra nhiều nghiệp ác, mà nghe được đanh-tự đại-bi của vị Bồ-tát ấy, bèn dùng năm thể: đầu, hai tay, hai chơn mà làm lễ sát đất, thành tâm sám-hối, thì những nghiệp ác của mình tức tốc trở nên thanh-tịnh. Và trong những đời sau, những hàng chúng-sanh nào nghe người-ta xưng niệm danh-tự đại-bi của vị Bồ-tát ấy, bèn tạo lập ra hình-tượng của Ngài và cúng-dường những hương, hoa, y-phục, lọng tàn, cờ, phướn, rồi lễ bái, xưng-niệm danh-tự Ngài, thì những người ấy chừng mạng chung sẽ được Bồ-tát Di-Lặc phóng hào-quang từ nơi chòm lông trắng ở giữa cặp chang mày của Ngài ra, có chư Thiên-tử rảy hoa Mạn-đà-la xuống như mưa và hiện đến mà nghinh tiếp.

Trong phút chút, những người ấy liền được vãng sanh, gặp gỡ đức Di-Lặc, đầu và mặt cung kính làm lễ, trong lúc chưa kịp cất đầu lên thì nghe Ngài giảng giải Pháp-lý; liền đó, đối với quả Phật tức là quả Đạo cao trỗi hơn hết, được địa-vị Chẳng thối-chuyển; rồi trong các đời sau, sẽ được gặp chư Phật Như-lai nhiều như số cát sông Hằng (Gange)”.

Phật phán với ông Ưu-ba-Ly rằng: “Nay ngươi lắng nghe cho kỷ! Về đời sau, Di-Lặc Bồ-tát đây sẽ làm nơi Qui-y lớn cho chúng-sanh. Như có những ai quy-y nơi Di-Lặc Bồ-tát, thì nên biết rằng những người ấy đối với quả Phật tức là quả Đạo cao trỗi hơn hết, sẽ được Địa-vị Chẳng-thối-chuyển. Đến chừng Di-Lặc Bồ-tát thành bực Như-lai (Đa-đà-a-già-độ, Tathàgata), Ứng-cúng (A-la-ba, Arhat), Chánh-biến tri (Tam-miệu Tam-Phật-đà, Samyak sambouddha), thì những người tu-hành ấy sẽ được thấy ánh quang-minh của đức Phật ấy, liền được Ngài thọ-ký cho vậy”.

Phật phán với ông Ưu-ba-Ly rằng: “Chừng ta tịch diệt rồi, trong bốn hàng Đệ-tử: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di; và trong các hàng: Thiên, Long, Quỉ, Thần, như có ai muốn sanh lên cảnh Đâu-suất-đà Thiên, thì nên làm phép quán-tưởng nầy: Đem hết lòng dạ mà suy xét, tưởng nhớ đến cảnh Trời Đâu-suất-đà, giữ Giái cấm của Phật; từ một ngày cho đến bảy ngày, suy xét, tưởng nhớ Mười điều lành và thi hành theo Mười điều lành, dùng công-đức ấy mà hồi-hướng nguyện sanh lên trước mặt đức Di-Lặc. Nên làm phép quán-tưởng ấy. Như ai làm phép quán-tưởng ấy mà thấy một vị Thiên-nhơn, thấy một hoa sen hay là trong khoản một tư-tưởng mà xưng-niệm danh-hiệu đức Di-Lặc, thì người ấy trừ được tội-báo trong một ngàn hai trăm Kiếp sanh-tử. Còn ai chỉ nghe qua danh-hiệu đức Di-Lặc, bèn chắp tay cung-kính, người ấy trừ được tội-báo trong năm chục Kiếp sanh-tử. Như có ai đỉnh lễ, cung kính đức Di-Lặc, thì trừ được tôi-báo trong trăm ức Kiếp sanh-tử; nếu không sanh lên Thiên-cung thì chừng đời sau, nơi cội Bồ-đề Long-hoa[34], cũng sẽ được gặp Phật Di-Lặc và phát nguyện cầu quả Vô-thượng”.

Phật giảng mấy lời ấy xong, vô-lượng đại-chúng liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đỉnh lễ nơi chơn Phật và đỉnh lễ nơi chơn đức Di-Lặc, kế đi chung-quanh Phật và chung-quanh Bồ-tát Di-Lặc cả trăm ngàn vòng[35]. Còn những vị chưa đắc Đạo thảy đều phát thệ-nguyện như vầy: “Chúng-tôi là các hàng Thiên nhơn tám bộ, nay đối trước Phật, phát thệ-nguyện thành thật về đời sau sẽ được gặp gỡ đức Di-Lặc, và nguyện chừng bỏ cái thân nầy rồi, đều được sanh lên cảnh Trời Đâu-suất-đà”.

Đức Thế-tôn bèn ký hứa cho rằng: “Chẳng những các ngươi, mà những kẻ đời sau tu phước, trì giái thảy đều sẽ được vãng sanh đến trước Bồ-tát Di-Lặc và sẽ được Bồ-tát Di-Lặc giữ gìn, dung nạp cho vậy”.

Phật phán với ông Ưu-ba-Ly rằng: “Làm phép quán-tưởng ấy kêu là Chánh-quán. Còn như làm phép quán-tưởng khác kêu là tà-quán”.

Lúc ấy, Tôn-giả A-Nan liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, chắp tay, quì mọp, bạch với Phật rằng: “Thế-tôn! Lành thay! Thế-tôn đã vui lòng giải bày sở hành công-đức của Di-Lặc, Ngài lại ký hứa cho chỗ được quả-báo của những chúng-sanh sẽ tu phước đời sau. Nay tôi tỏ lòng tùy hỷ.

Dạ, bạch Thế-tôn! Chỗ yếu-lý của Pháp-môn nầy nên thọ trì cách nào? Kinh nầy nên gọi là gì?”.

Phật phán với A-Nan rằng: “Ngươi giữ gìn lời giảng dạy của Phật, hãy cẩn thận đừng quên; nên mở đường sanh lên cõi Trời cho chúng-sanh đời sau, nên chỉ tướng Bồ-đề cho họ, chớ có làm đứt mất hột giống Phật. Kinh nầy kêu là: Bồ-tát Di-Lặc nhập diệt, cũng kêu là: Quán Bồ-tát Di-Lặc sanh lên cảnh Trời Đâu-suất-đà. Vậy ngươi hãy khuyên người-ta phát tâm Bồ-đề, cứ như vậy mà thọ trì”.

Phật phán mấy lời ấy rồi thì mười vạn vị Bồ-tát được phép Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm[36], các vị nầy từ các phương khác lại hội, – tám vạn ức chư Thiên phát tâm Bồ-đề[37], thảy đều nguyện tùy tùng đức Di-Lặc chừng Ngài hạ sanh.

Khi Phật giảng xong, bốn hàng Đệ-tử, tám bộ Thiên-Long nghe rồi đều rất hoan-hỷ, bèn lễ Phật và lui ra.

Phật giảng Kinh Quán Bồ-tát Di-Lặc sanh lên cảnh Trời Đâu-suất hết quyển thượng.

Nam-mô Long-Hoa Giáo-chủ đương lai hạ-sanh Di-Lặc Vương Phật!

[1] Kinh này do quan Tư-cừ-Kinh-Thinh nhà Tống (960-1277) bên Tàu dịch chữ Phạn ra chữ  Hán. Phật-tử Đoàn-Trung-Còn dịch chữ Hán ra chữ Việt, in lần đầu vào năm 1950.

[2] XÁ-VỆ-QUỐC, tức Xá-vệ-thành là Kinh đô nước Câu-tát-la (Kocala). Hồi đức Thích-tôn ra đời thì vua Ba-tư-Nặc (Prasenajit) trị vì tại thành ấy.

[3] Trong Hiền Kiếp này sẽ ra đời 1000 vị Phật, mà có bốn vị đã ra đời rồi: Câu-Lâu-Tôn, Câu-na-hàm Mâu-ni, Ca-Diếp, Thích-Ca Mâu-Ni.

[4] PHÁP VƯƠNG là Phật PHÁP-VƯƠNG TỬ là vị Bồ-tát giữ đủ Trí-huệ, Pháp-giáo của Phật, người con tinh thần xứng đáng hơn hết của Phật.

[5] ĐÀ-LA-NI (Dharani): Chơn-ngôn, Thần-chú, Mật-ngữ linh-nghiệm.

[6] ƯU-BA-LY (Oupali), dịch nghĩa: Cận-thủ, Cận-chấp, là một vị đệ tử xuất gia của Phật, đắc quả La-hán, được Phật khen là Trì Luật đệ nhứt.

[7] A-DẬT-ĐA (ajita) dịch nghĩa: Vô-năng-thắng, ấy là danh hiệu cảu ngài Di Lặc (Maitreya, dịch nghĩa: Từ-Thị)

[8] Như-lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri đều là những đức-hiệu của Phật. Đó là tóm tắt mười đức-hiệu của Phật: 1 Như-lai, 2 Ứng- cúng, 3 Chánh-biến-tri, 4 Minh-hạnh-túc, 5 Thiện-thệ, 6 Thế-gian giải, 7 Vô thượng sĩ điều ngự trượng-phu, 8 Thiên-nhơn-sư, 9 Phật, 10 Thế-tôn.

[9] ĐÂU-SUẤT, ĐÂU-SUẤT-ĐÀ (Tushita) dịch nghĩa: Tri-tác-thiên, Hỷ-túc-thiên, ở về cõi Dục giới trong Tam-giới.

[10] THIÊN-TỬ: Những hàng Tiên nam tử ở trên cung Trời, do một vị Thiên-vương, Thiên-chủ cầm đầu. Như ở Đâu-suất, hiện nay thì ngài Di-Lặc cầm đầu. Chư Tiên phụng sự theo Ngài, phái nam kêu là THIÊN-TỬ, phái nữ: THIÊN-NỮ.

[11] CHIÊN-ĐÀN: Chất chiên-đàn rất quí, rất thơm. MA-NI: Bảo-châu, ngọc như-ý gắn nơi mão.

[12]PHÁP-LUÂN: Bánh xe Pháp. Cũng như bánh xe thi lăn tới Phật, Bồ-tát chuyển Pháp luân, lăn Bánh xe Pháp đưa người từ lầm-lạc, khổ-não tới cảnh tỉnh-ngộ, an-lạc.

[13] ĐỊA-VỊ CHẲNG HỀ THÔI LUI (Bất thối chuyển Địa) là ngôi-vị Bồ-tát càng ngày càng gần với quả vị Phật.

[14] DO-TUẦN, tên số-mục để đo đường bên Ấn-độ, bằng 16 dặm (lý) tàu.

[15] KHỔ: Các chúng-sanh điều chịu khổ: sanh khổ, già khổ, bịnh khổ, chết khổ, khổ vì gần người mình ghét, khổ vì xa người mình thương, khổ nỗi cầu mà chẳng được, khổ vì ngũ uẩn xí thạnh, (trong năm uẩn hiệp lại làm người: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nếu chẳng đều hòa, có uản nào thạnh lắm cũng khổ).

    KHÔNG: Cáo tướng đều chẳng có thật, chỉ do nơi nhân-duyên tạm hiệp mà thôi.

    VÔ-THƯỜNG hay phi thường: Chẳng trường tồn, hay dời đổi, hư hoại.

    VÔ-NGÃ hay phi ngã: Không có ta, không có bổn-ngã. Đừng kể có mình, đừng tríu thân mạng mình, tài sản mình.

[16] THẬP-THIỆN: 1 Chẳng sát sanh, lại phải phóng sanh. 2 chẳng trộm đạo, lại phải bố-thí. 3 Chẳng tà-dâm, lại phải cung kính. 4 Chẳng vọng-ngữ, lại phải nói thật. 5 Chẳng ỷ ngữ (nói trây), lại phải nói cho có lý, hữu ích. 6 Chẳng lưỡng thiệt, lại phải nói cho người ta hòa hiệp. 7 Chẳng ác-khẩu, lại phải nói cho êm-ái dịu-dàng. 8 Chẳng tham, lại phải tưởng sự bất-tịnh. 9 Chẳng sân, lại phải từ-bi nhẫn-nhục. 10 Chẳng si, lại phải có lòng chánh-tín.

[17] TỪ HOẰNG THỆ NGUYỆN:

  1. Chúng-sanh vô-biên, thệ nguyện độ.
  2. Phiền-não vô-tận, thệ nguyện đoạn.
  3. Pháp-môn vô-lượng, thệ nguyện học.
  4. Phật-đạo vô-thượng, thệ nguyện thành.

[18] NƯỚC TÁM VỊ, tức là nước tám công đức: 1 Lắng sạch. 2. Trong mát. 3. Ngọt ngon. 4. Nhẹ dịu. 5. Nhuần trơn. 6. Yên-hòa. 7 Uống trừ đói khát, tật bịnh, lầm lỗi. 8. Uống bổ khỏe các căn về thân và tâm.

[19] CAM-LỘ (amrta): chất nước ngọt uống vào được sống lâu và bổ khỏe các căn.

[20] SÁU ĐỘ: 1. Bố-thí, 2. Trì-giái, 2. Nhẫn-nhục, 4. Tinh-tấn, 5. Thiền-định, 6. Trí-huệ.

[21] SƯ-TỬ TỌA: Ấy là chỗ ngồi của Phật, Bồ-tát. Vì các ngài hùng-dõng như sư-tử, nên tỷ-dụ mà gọi như vậy, chớ chẳng phải cái ngôi chạm hình sư-tử.

[22] MƯỜI PHƯƠNG-DIỆN: Bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Bốn phương kề cận (Tứ duy), và hai phương Thượng, Hạ.

[23]  PHẠM-THIÊN: Cảnh Phạm ở về cõi Sắc-giái, rất nhiều từng bậc, từ bậc Sơ thiền cho tới bậc Tứ-thiền.

[24] CHIÊN-ĐÀN HẢI-THỬ NGẠN (Santal Uragasáta) lả thứ chiên-đàn quí vô-song. Theo Kinh Pháp-Hoa, một phần nhỏ nhít là sáu thù (mỗi thù bằng nửa lượng) của thứ Chiên-đàn ấy giá trị bằng trọn cõi Thế-giới Ta-bà này.

[25] THIÊN-MA: Tức là Ma Vương (Mâra). Cảnh-giái của Ma-vương ở về Đệ-lục Thiên trong cõi Dục-giái, cũng kêu là Tha-hóa tự-tại Thiên. Cảnh-giái ấy trên thì có Ma-vương, Ma-hậu, kế có ma-thần, ma-tướng, dưới có ma-binh, ma-dân.

[26] TIỂU-KIẾP: Một Tiểu-kiếp có 16.800.000 năm. Một Trung-kiếp: 336.000.000 năm. Một Đại-kiếp: 1 3444.000.000 năm.

[27] BÁT TRAI cũng kêu lả BÁT GIÁI TRAI: tám giái và ăn đúng ngọ (chay): 1. Chẳng sát sanh 2. Chẳng trộm đạo 3. Chẳng dâm dục 4. Chẳng vọng ngữ 5. Chẳng uống rượu 6. Chẳng xức dầu, thoa phấn 7. Chẳng xem hát, khiêu vũ 8. Chẳng nằm giường cao. Và chẳng ăn quá ngọ, ăn chay.

[28] LỤC THÔNG: Sáu phép Thần-thông của La-hán, của Phật: 1. Thiên nhãn thông  2. Thiên nhĩ thông  3.Túc mạng thông  4. Tha tâm thông  5. Thần túc thông  6. Lậu tận thông.

[29] MẠN-ĐÀ-LA HOA (Mandânravas): Hoa sen trắng trên cõi Tiên và bên cõi Cực-lạc.

[30] Sáu pháp của Bồ-tát: 1. Bố thí. 2. Trì giái. 3. Nhẫn-nhục. 4. Tinh tấn. 5. Thiền định. 6. Trí huệ – Lại sáu pháp nầy: 1. Chẳng tà dâm 2. Chẳng trộm 3. Chẳng sát 4. Chẳng nói láo 5. Chẳng uống rượu 6. Chẳng ăn quá ngọ.

[31] TINH-TÚ KIẾP: sẽ tiếp theo Hiền Kiếp nầy. Hiền Kiếp nầy có 1.000 đức Phật lần lượt ra đời. Tinh-tú Kiếp lại cũng như vậy.

[32] THIÊN… MA-HẦU-LA-GIÀ: Ấy là tám bộ; tám loại chúng-sanh 1.Thiên: Tiên trên trời. 2 Long: rồng. 3. Dạ-xoa: thần quỉ mạnh mẽ, lẹ làng. 4. Càn-thát-bà: thần âm-nhạc 5. A-tu-la: thần-quỉ có cung điện, nhể chẳng đoan chánh như chư Thiên. 6. Ca-lâu-la: Thần chim cánh vàng. 7. Khẩn-na-la: Thần tấu nhạc, giống như người, nhưng có sừng. 8. Ma-hầu-la-già: Thần rắn lớn.

[33] BIÊN-ĐỊA: Miền ranh giới, như ở ven rừng, gốc biển, đầu gành, nơi biên thùy. Người ở các miền ấy kém học-thức, văn-hóa; ý kiến thường hay tà vạy.

[34] Về sau, đức Di-Lặc sẽ ngồi đại định nơi cội cây Bồ-đề tên là Long-hoa mà thành Phật.

[35] Đi chung-quanh một đức Phật, Bồ-tát nhiều vòng theo tay mặt là một lối làm lễ rất tôn-trọng của người Ấn-độ.

[36] THỦ LĂNG-NGHIEM TAM-MUỘI (Suramgama-Samâ-dhi) là một phép Thiền-định của Bồ-tát đắc quả Phật, tướng kiên cố, hạnh kiên cố cứu-cánh của hết thảy mọi việc, tức là được cái thể thường định của Chơn tâm.

[37] PHÁT BỒ-ĐỀ-TÂM: Phát nguyện tu hành cho tới quả Bồ-đề cho thành Phật.


Với xã hội thế kỷ 21, quí vị có thể sử dụng kinh sách bằng cách tải văn bản pdf về trên các máy tính bảng (tablets) như Ipad, Samsung Galaxy Tab, và các sản phẩm công nghệ khác tạo sự tiện lợi và gọn gàng để tu tập ngày càng tinh tấn. Đó là lòng mong ước của phật tử ngày nay.

Ý nghĩ này do sư huynh Phạm Chánh Trực, pháp danh Minh Thông đề ra.

Nam mô A Di Đà Phật.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.