Followers Wanted, The World Needs Good Followers, Too Cần Có Những Người Nối Gót, Thế Giới Cũng Rất Cần Những Người Theo Bước Như Vậy

Những trường đại học dường như có những ưu ái dành cho những học sinh cấp ba có năng lực lãnh đạo. Nhưng không phải tất cả học sinh đều nên trở thành chủ tịch khối lớp[1].

            Năm 1934, một người phụ nữ trẻ tên Sara Pollard đã ghi danh vào trường Đại học Vassar. Những năm đó, cha mẹ thường được yêu cầu trả lời một bảng câu hỏi, và cha của Sara đã mô tả cô, một cách thành thật, rằng cô “giống một người theo bước và làm theo, hơn là một người lãnh đạo.”                   

            Trường Đại học Vassar đã nhận Sara vào nhập học, đồng thời giải thích rằng trường đã có đủ những lãnh đạo. Điều này rất khó có thể tưởng tượng trong thời buổi hiện nay. Không một người cha bình thường có lý trí nào (nếu được nhân viên tuyển sinh của trường hỏi!) lại có thể thừa nhận rằng con của ông ấy là một người vốn dĩ không có tố chất lãnh đạo và bẩm sinh chỉ biết theo bước và làm theo những điều chỉ dẫn; và rất ít trường đại học có thể mở rộng cửa nhận những học sinh như vậy. Hiện nay, chúng ta tán thưởng kĩ năng lãnh đạo một cách tuyệt đối, và không có nơi nào tán thưởng điều này nhiều hơn ban tuyển sinh của những trường đại học. Như ông Penny Bach Evins, người đứng đầu Trường nữ sinh St. Paul, là một trường tư thục tại bang Maryland, đã chia sẻ với tôi, “Dường như Giáo dục ở bậc Đại học đang tìm kiếm những học sinh an-pha[2], tạm dịch là hoàn hảo, đứng đầu về mọi mặt, nhưng những người thực làm và những người hoạch định tư tưởng tại ngôi trường của chúng tôi không phải lúc nào cũng là những người đứng trước dẫn đường.”

            Đơn nhập học của Đại học Harvard thông báo cho học sinh rằng sứ mệnh của trường là “giáo dục đào tạo học sinh trường thành những công dân và những công dân lãnh đạo tiên phong cho xã hội.” Trang điện tử của Đại học Yale cũng khuyên những học sinh ghi danh tuyển sinh vào trường rằng trường tìm kiếm “các nhà lãnh đạo của thế hệ của họ”; trên trang điện tử của Đại học Princeton, “hoạt động lãnh đạo” được xem là tiêu chí hàng đầu trong danh sách liệt kê những đặc điểm mà học sinh mong ước được vào trường cần phải có để giới thiệu bản thân. Ngay cả Đại học Wesleyan, vốn được biết đến nhiều trong lãnh vực văn hoá nghệ thuật, cũng xét duyệt những ứng viên của trường dựa trên tố chất lãnh đạo.

 Sự tôn vinh khả năng lãnh đạo một cách thái quá đã làm cho ý nghĩa thật sự của việc lãnh đạo trở nên sáo rỗng.

             Nếu bộ phận tuyển sinh của các trường đại học là hình mẫu cho chúng ta thấy ai và những gì mà chúng ta đặt giá trị vào, thì chúng ta có thể sẽ nghĩ rằng một xã hội lý tưởng được hình thành từ những người thuộc hạng A[3]. Điều này không có gì là ngạc nhiên, cho dù là khi những ví dụ điển hình này được lấy từ những trường đại học danh tiếng và có sự cạnh tranh cao. Việc tung hô những người nổi bật trong đám đông chính là một phần trong American DNA, tạm dịch là gien di truyền của Nước Mỹ. Và trong những thập kỷ gần đây, con đường chớp nhoáng dẫn đến vị trí lãnh đạo của những thanh niên trẻ sống trong nhà giữ xe (garage) và ký túc xá, điển hình như Steve Jobs và Mark Zuckerberg, dường như làm những thanh thiếu niên trẻ 19 tuổi cảm thấy rằng họ cũng có khả năng đạt được những vị trí tối cao này. Cũng vì thế mà bây giờ chúng ta thấy những học sinh cấp phổ thông, cạnh tranh quyết liệt cho nhiều vị trí chủ tịch của càng nhiều câu lạc bộ mà họ có thể càng tốt. Vị trí thành viên của Hội đồng học sinh đã không còn là đủ nữa, vì bây giờ bạn cần phải quản lý cả một ngôi trường (thì mới đủ).                              

            Dù vậy, để một hội học sinh có thể hoạt động tốt, chưa nói đến một tổ chức xã hội, cũng cần có những người theo bước cũng như những thành viên bình thường. Như một đội bóng cần có những cầu thủ chơi đồng đội, và cả những người chơi cá nhân theo sở thích và tài năng của họ.

            Và những hội học sinh đó cần những người chỉ huy sẵn sàng phục vụ và làm việc thực sự hơn là vì danh tiếng.

             Những nhân viên tuyển sinh của những trường đại học sẽ nói với bạn rằng, việc tìm kiếm những nhà lãnh đạo tương lai của họ, là dựa trên những khát vọng muốn tạo nên nhiều ảnh hưởng tích cực, làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ họ thực sự mong muốn điều này.

            Nhưng nhiều học sinh mà tôi đã từng nói chuyện lại xem “kĩ năng lãnh đạo” là một đạo lý của quyền lực và thống trị, cũng như việc họ định nghĩa “nhà lãnh đạo” là người “có thể điều khiển mọi người xung quanh.” Theo một vị giáo sư danh tiếng tại Ivy League[4] thì những học sinh này không sai; vì theo như định nghĩa của quá trình tuyển sinh, khả năng lãnh đạo có vẻ như thường bị “giới hạn trong khuôn khổ của sức mạnh chính trị và kinh tế.” Vị giáo sư này cũng chia sẻ rằng những nhân viên tuyển sinh đã thất bại khi không đưa ra được định nghĩa sự lãnh đạo như là “những tiến bộ trong việc tìm ra giải pháp cho những bài toán hóc búa” hay “sáng tác nên được bài thơ hay nhất của thế kỷ.”           

             Bất kể mục đích của các trường đại học là gì, thì áp lực phải dẫn đầu và lãnh đạo hiện nay đang ấn định và làm thui chột đi thời thanh thiếu niên của những đứa trẻ. Một cô gái đã chia sẻ với tôi về tuổi thơ hạnh phúc và hăng hái của cô khi được đọc sách, đi học và chơi đàn xen-lô. “Cho đến năm đầu phồ thông, khi cái bóng của việc tuyển sinh đại học bắt đầu xuất hiện, thì mọi hoạt động của tôi bất thình lình bị cản trở bởi [tạm dịch] cái gọi là quyền lực Thần Thánh Tối Thượng của ‘khả năng lãnh đạo’(the holy grail of ‘leadership’).” Và mọi người đều biết rằng không phải những người thông minh, không phải những người sáng tạo, không phải những người chín chắn, hay những người tử tế, ghi được điểm cao trong đơn xin nhập học và đơn xin học bổng, mà là những người ở vị trí lãnh đạo. Dường như không có hoạt động nào hay thành tựu nào là đáng quan tâm, trừ phi nó có liên quan chút gì đó đến việc lãnh đạo,” cô kể.

            Cô gái này đã phải thay đổi tính cách của mình hoàn toàn để có cơ hội được chọn vào một vị trí có tiếng như là “vị trí cố vấn cho học sinh năm nhất”. Cô đã đạt được điều cô muốn, nhưng sau đó cô lại bị loại ra khỏi chương trình này vì cô không đủ hướng ngoại. Ngay tại thời điểm đó, cô cảm thấy rất tuyệt vọng. Nhưng thật ra điều này lại cho cô tự do để đi tìm tiếng gọi trong lòng mình – khoa học. Cô bắt đầu làm việc sau giờ học với giáo viên dạy di truyền học của mình, cũng là một người “làm việc âm thầm đằng sau màn ảnh”(behind the scene[5]).  Và cô đã xuất bản bài viết khoa học đầu tiên của mình khi cô chỉ mới 18 tuổi, và giành được xuất học bổng cao nhất tại trường đại học mà cô theo học ngành kỹ thuật y sinh và xen-lô.

              Những ngôi trường ưu tú nhấn mạnh quá mức về kĩ năng lãnh đạo, một phần là vì muốn chuẩn bị tốt cho học sinh của họ trên thương trường, và họ cho rằng đó là điều mà những người làm kinh doanh cần. Nhưng một nhánh khác trong ngành tâm lí học về tổ chức, được gọi là “followership”, tạm dịch là chủ nghĩa theo gót, đang trở nên nổi tiếng. Ông Robert Kelly, một giáo sư về Quản lý và cách xử lý có tính chất hệ thống, đã định nghĩa từ “followership” này trên một bài báo Kinh tế Harvard 1988. Trong bài báo này, ông đã liệt kê những phẩm chất của một follower- người theo gót- giỏi, bao gồm tuân theo “một mục tiêu, một nguyên tắc hoặc một người khác bản thân họ” và cần phải “can đảm, trung thật và đáng tin cậy.” Đây là điều đã được áp dụng trong quân đội từ lâu. 

              Gần đây, nhiều nhà tư tưởng kinh tế khác đã theo đuổi tư tưởng theo gót-“followership”- này. Một số tập trung vào thuyết “romance of leadership”, tạm dịch là sư huyễn mộng trong khả năng lãnh đạo; lí thuyết này đã làm cho chúng ta quy chụp thiếu chính xác sự thành công và thất bại của một tổ chức cho người lãnh đạo, mà quên đi những nhóm đông thành viên theo gót khác của tổ chức đó. Ông Adam Grant, người đã viết một số sách về điều gì dẫn con người đến thành công, chia sẻ rằng câu hỏi ông nhận được nhiều nhất từ người đọc là làm sao có thể đóng góp khi họ không phải là người phụ trách công việc, nhưng lại có đề xuất và muốn đề xuất đó được lắng nghe. “Đây không phải là những câu hỏi được đặt ra bởi những nhà lãnh đạo,” ông nói với tôi. “Đây là những câu hỏi chủ đạo của chủ nghĩa theo gót-followership.”

               Những cầu thủ chơi đồng đội cũng rất quan trọng. Con trai tôi là một cầu thủ đá bóng với nhiều khát vọng, nên tôi thường dành nhiều thời gian để xem những trận đấu “đẹp.” Và thứ làm nên một trận đấu “đẹp” không phải là sự lãnh đạo, mặc dù một vị huấn luận viên giỏi là quan trọng. Cũng không phải là cách quả bóng xoáy vào khung thành, mặc dù việc ghi điểm thúc đẩy sự phấn khích trong một trận đấu. Thay vào đó, thứ làm nên một trận đấu hay là sự chuyền bóng điêu luyện và tinh vi của từng cầu thủ trong việc tiên liệu được khả năng và nhu cầu của các đồng đội. Mỗi cầu thủ toả sáng chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi anh ta giữ bóng trước khi chuyển nó cho đồng đội hoặc mất bóng vào chân đối thủ.

               Như một xã hội, chúng ta cũng dựa vào một số cá nhân, những người tìm ra được hướng đi riêng của họ, nhiều hơn chúng ta có thế nhận ra. Chúng ta nhìn thấy những nhân vật này trong mọi lĩnh vật: trong khoa học, trong thể thao như môn quần vợt và trượt băng nghệ thuật, và trong nghệ thuật. Nghệ thuật và khoa học là một trong những điều làm cho cuộc sống trở nên đáng sống, nhưng cái cốt lõi của nó không phải về sự lãnh đạo. Cô Helen Vendler, một vị giáo sư Anh ngữ tại Đại học Harvard, đã công bố một bài tiểu luận trong đó cô khuyến khích trường đại học thu hút nhiều hơn những nghệ sĩ và đừng mong muốn những nghệ sĩ này “sẽ trở thành những nhà lãnh đạo.” Một số sinh viên có thể sẽ trở thành những người tiên phong trong lĩnh vật nghệ thuật, như giáo sư viết – điều khiển một dàn nhạc, làm việc để phục hồi những tác phẩm nghệ thuật tại các trường học – “nhưng không một ai có thể hình dung nhà thơ Baudelaire[6] theo đuổi dịch vụ cộng đồng.”

                Có thể điều gây hại lớn nhất gây ra bởi sự ca tụng quá mức khả năng lãnh đạo chính là việc rèn luyện sự lãnh đạo – làm nó trở nên sáo rỗng, và làm mất đi ý nghĩa thật sự của nó. Năng lực lãnh đạo bị ca tụng quá mức ấy thu hút những người mà động cơ của họ là đạt được địa vị hơn là một động lực tốt đẹp được thúc đẩy từ những ý tưởng và những người mà họ phụng sự. Nó dạy cho học sinh trở thành một nhà lãnh đạo vì lợi ích của việc được làm người đừng đầu hơn là việc đại diện cho một giá trị hoặc tư tưởng mà họ quan tâm sâu sắc. Sự khác nhau giữa hai luồng suy nghĩ này là rất lớn và đáng lưu tâm. Cách suy nghĩ thứ hai thuộc về những nhà lãnh đạo lớn như Linh Mục Dr. Martin Luther King Jr. và Gandhi; còn luồng tư tưởng thứ nhất thì, bạn biết đấy, chúng ta đã thấy quá nhiều những thí dụ của cách thức lãnh đạo này gần đây.

                Nếu như việc tìm kiếm lãnh đạo theo cách này (ca tụng quá mức) có vẻ lý tưởng, hãy nghĩ về thực trạng hiện nay: khi những học sinh, sinh viên vì tranh đua cho chức lãnh đạo đã dùng mọi mánh khoé (một cách không chính đáng) để đánh bóng lý lịch trong hồ sơ xin việc của bản thân. “Tất cả học sinh này đều muốn trở thành hội trưởng của 50 câu lạc bộ,” một giảng viên làm công tác cố vấn tại Trường New Jersey cho hay. “Họ đến nổi còn không biết họ đang chạy đua cho cái gì.”

                Mọi việc không cần phải thành ra như vậy.

                 Sẽ như thế nào nếu chúng ta nói với những sinh viên xin nhập học rằng những đức tính chúng ta đang tìm kiếm không phải là khả năng lãnh đạo, mà là sự ưu tú, đam mê, và một khao khát công hiến vượt ra khỏi chính bản thân mình? Cách làm việc này sẽ chọn ra được một nhóm những người chỉ huy và chủ tịch khối lớp xuất sắc; chứ không biến sự lãnh đạo thành trung tâm của tất cả.

                Sẽ như thế nào nếu chúng ta nói với những học sinh, sinh viên có thể trở thành những nhà lãnh đạo tương lai rằng: “Hãy chỉ nhận lấy vai trò này khi bạn quan tâm cho vấn đề được đặt ra ở đây một cách vô cùng khẩn thiết ?” 

                Và sẽ như thế nào nếu chúng ta trung thực với chính bản thân mình về điều mà chúng ta thực sự trân trọng? Nếu chúng ta đang tìm kiếm những học sinh, sinh viên và những công dân có khả năng đạt được sự giàu có và quyền lực, hãy thừa nhận nó. Để sau đó chúng ta có thể có một cuộc tranh luận thẳng thắng xem rằng liệu đó có phải là ý kiến tốt.

                Nhưng nếu chúng ta mong muốn tìm một xã hội có những người chu đáo, sáng tạo, tận tâm và những nhà lãnh đạo sẵn sàng được gọi để phụng sự hơn là vì địa vị danh tiếng, thì chúng ta cần phải làm tốt hơn trong việc làm rõ mong muốn này.

 Nguồn New York Times: https://www.nytimes.com/2017/03/24/opinion/sunday/not-leadership-material-good-the-world-needs-followers.html – Bài của tác giả Susan Cain.                                                                                                            

Dịch ra tiếng Việt bởi Nguyên Châu.                                             

Hiệu đính bởi Minh trung.


[1] Chủ tịch khối lớp- class president: Tại các nước phương Tây cũng như Hoa Kỳ, trong mỗi trường học, mỗi khối lớp thường có cuộc bỏ phiếu bầu chọn ra học sinh giữ chức vụ chủ tịch khối lớp, là người được tất cả học sinh bình chọn và tin tưởng để đại diện cho các học sinh ấy.

[2] Alpha: là một từ trong chuyên ngành khoa học, vì là từ đầu tiên của bảng chữ cái Hy Lạp, thường được dùng để chỉ sự đứng đầu hay sự hoàn hảo tuyệt đối.

[3] Điểm A là điểm cao nhất cho từng môn học trong hệ thống Đại Học ở Hoa Kỳ.

[4] Trường Ivy League là những trường Đại Học (tư thục) hàng đầu Hoa Kỳ cũng như Thế giới.

[5] Behind the scene: từ để chỉ những con người làm việc sau cánh gà, để cho 1 vở diễn thành công.

[6] Baudelaire(1821-1867) là một nhà thơ nổi tiếng Người Pháp.