Đệ Thập Ngũ Tắc (Bài Thứ Mười Lăm)

ĐỆ THẬP NGŨ TẮC

ĐỘNG SƠN TAM ĐỐN

 

  • CỬ:

Vân Môn nhân Động Sơn tham thứ, Môn vấn viết:

      — Cận ly thậm xứ?

Sơn Vân:

      — Tra Độ.

Môn viết:

      — Hạ tại thậm xứ?

Sơn vân:

      — Hồ Nam Báo Từ.

Môn viết:

      — Kỷ thời ly bỉ?

Sơn vân:

      — Bát nguyệt nhị thập ngũ.

Môn viết:

      — Phóng nhữ tam đốn bổng.

Sơn chí minh nhật, khước thượng vấn tấn:

      — Tạc nhật mông hoà thượng phóng tam đốn bổng, bất tri quá tại thậm ma xứ?

Môn viết:

      — Phạn đại tử, Giang Tây, Hồ Nam, tiện nhậm ma khứ.

Sơn ư thử đại ngộ.

 

  • BÌNH:

Vân Môn đương thời tiện dữ bổn phận thảo liệu, sử Động Sơn biệt hửu sinh cơ nhất lộ, gia môn bất chí tịch liêu. Nhất dạ tại thị phi hải, lý trước đáo, trực đãi thiên minh tái lai, hựu dữ tha chú phá, Động Sơn trực hạ ngộ khứ, vị thị tính táo. Thả vấn chư nhân, Động Sơn tam đốn bổng, hợp khiết bất hợp khiết? Nhược đạo hợp khiết, thảo mộc tùng lâm, giai hợp khiết bổng. Nhược đạo bất hợp khiết, Vân Môn hựu thành cuống ngữ. Hướng giá lý minh đắc, phương dữ Động Sơn xuất nhất khẩu khí.

 

  • TỤNG:

Sư tử giáo nhi mê tử quyết,

Nghĩ tiền khiêu trịch tảo phiên thân.

Vô đoan tái tự đường đầu trước,

Tiền tiễn do khinh, hậu tiễn thâm.

 

BÀI THỨ MƯỜI LĂM

BA HÈO CỦA ĐỘNG SƠN

 

  • CÔNG ÁN:

Ngài Vân Môn[1] nhân Động Sơn[2] đến tham học.

Sư hỏi:

      — Mới từ đâu đến?

Động Sơn đáp: 

      — Tra Độ.

Sư lại hỏi:

      — Hạ an cư[3] ở đâu?

Động Sơn đáp:

      — Chùa Báo Từ ở Hồ Nam.

Sư hỏi tiếp:

      — Rời chùa hôm nào?

Động Sơn đáp:

      — Hai mươi lăm tháng tám.

Sư nói:

      — Tha cho ông ba hèo.

Sáng hôm sau, Động Sơn lại lên tham hỏi:

      — Hôm qua đội ơn Ngài tha ba hèo, không biết lỗi tôi ở đâu?

Sư nói:

      — Cái túi cơm, cứ thế mà đi Giang Tây, Hồ

Động Sơn nhân đó bèn ngộ.

 

  • LỜI BÀN:

Vân Môn bấy giờ giở ngón sở trường, khiến Động Sơn mở riêng được con đường sống, tông môn không đến nỗi đìu hiu. Qua một đêm hụp lặn trong biển thị phi[4], hôm sau trở lại được hoá giải, Động Sơn bèn ngộ, thế cũng chưa mau lẹ chi. Xin hỏi các người, ba hèo của Động Sơn đáng chịu hay không đáng chịu? Nếu bảo là đáng, thì cây cỏ cũng đều đáng chịu. Còn nếu bảo là không, thì té ra Vân Môn chỉ bịa xạo. Hiểu được chỗ này thì có thể hả giận giùm cho Động Sơn được tí.

 

  • KỆ TỤNG:

Sư tử răn con thiệt lạ mầu,

Toan chồm ra trước lại quay sau.

Bỗng dưng lại gõ đầu hai cái,

Trước còn nương nhẹ, cái sau đau.


[1] Vân Môn: (864-949) Pháp danh Văn Yển. Đắc pháp với Ngài Trần Tôn Giả ở Mục Châu. Sau được Tuyết Phong truyền tâm ấn cho. Lúc về già, đến trụ trì ở núi Vân Môn, mở Thiền đường dạy chúng.

[2] Động Sơn: Cao đồ của ngài Vân Môn. Chớ nên lẫn với Động Sơn Lương Giới (808-869), tổ giòng Tào Động.

[3] An cư: Ở yên một nơi để tu học. Xưa ở Ấn Độ, về mùa hạ, Đức Phật cũng như các đệ tử không thể đi giảng pháp vì mưa lớn, việc đi lại khó khăn, lại sợ dẫm chết cây cối và côn trùng nên các vị thường ở yên một nơi. Say này lệ hạ an cư vẫn được giữ từ 16/4 đến 15/7 gọi là giải hạ.

[4] Thị phi: Phải, không phải; phải, quấy. Chỉ cho sự lựa chọn thuận, nghịch, lấy, bỏ mà người đời thường mắc phải.