Đệ Nhị Thập Tam Tắc (Bài Thứ Hai Mươi Ba)

ĐỆ NHỊ THẬP TAM TẮC

BẤT TƯ THIỆN ÁC

 

  • CỬ:

Lục Tổ nhân Minh thượng toạ sấn chí Đại Diễu Lĩnh. Tổ kiến Minh chí, tức trịch y bát ư thạch thượng vân:

      — Thử y biểu tín, khả lực tranh nha? Nhận quân tương khứ.

Minh toại cử chi, như sơn bất động, trì trù tủng lật. Minh viết:

     — Ngã lai cầu pháp. phi vị y dã. Nguyện hành giả khai thị.

Tổ vân:

     — Bất tư thiện, bất tư ác, chính dữ ma thời, ná cá thị Minh thượng toạ bản lai diện mục?

     Minh đương hạ đại ngộ, biến thể hãn lưu, khấp lệ tác lễ vấn viết:

     — Thượng lai mật ngữ mật ý ngoại, hoàn cánh hữu ý chỉ phủ?

Tổ viết:

    — Ngã kim vị nhữ thuyết giả, tức phi mật dã. Nhữ nhược phản chiếu tự kỷ diện mục, mật khước tại nhữ biên.

Minh vân:

    — Mỗ giáp tuy tại Hoàng Mai tuỳ chúng, thực vị tỉnh tự kỷ diện mục. Kim mông chỉ thụ nhập xứ, như nhân ẩm thuỷ, lãnh noãn tự tri. Kim hành giả tức thị mỗ giáp sư đã.

     Tổ vân:

    — Nhữ nhược như thị, tắc ngô dữ nhữ đồng sư Hoàng Mai. Thiện tự hộ trì.

 

  • BÌNH:

Lục Tổ khả vị thị sự xuất cấp gia. Lão bà tâm thiết, thí như tân lệ chi, bác liễu xác, khử liễu hạch, tống tại nễ khẩu lý, chỉ yêu nễ nhất yết.

  

  • TỤNG:

Miêu bất thành hề hoạ bất tựu,

Tán bất cập hề hưu sinh thụ.

Bản lai diện mục một xứ tàng,

Thế giới hoại thời cừ bất hủ.

  

BÀI THỨ HAI MƯƠI BA

KHÔNG NGHĨ THIỆN ÁC

 

  • CÔNG ÁN:

Lục Tổ[1] bị thượng toạ Huệ Minh[2] đuổi theo đến núi Đại Diễu Lĩnh. Tổ thấy Huệ Minh đến, liền quẳng y bát trên tảng đá mà nói:

      — Áo này vốn để làm tin, há tranh đoạt được ư? Ông cứ việc lấy đi.

Huệ Minh toan lấy áo lên, thấy nặng trịch như núi, tần ngần run sợ nói:

      — Tôi đến cầu Pháp, chẳng phải vì áo. Xin hành giả[3] khai thị[4]

Tổ nói:

      — Không nghĩ thiện, không nghĩ ác. Ngay lúc ấy thì mặt mũi xưa nay của thượng toạ Huệ Minh là gì?

     Huệ Minh liền ngộ, khắp mình đẫm mồ hôi, khóc lóc sụp lạy nói:

Ngoài mật ý, mật ngữ đó ra. Ngài còn truyền thọ ý chỉ gì nữa chăng?

Tổ nói:

      — Điều tôi nói với ông đây không có chi là mật. Nếu ông tự quay nhìn mặt mũi chính mình, thì bí mật chính là ở phía bên ông.

    

Huệ Minh thưa:

     — Tôi tuy ở trong tăng chúng học Ngài Hoàng Mai[5] thực chưa từng xét kỹ mặt mũi mình. Nay đội ơn Ngài trỏ cho lối vào, như người uống nước, nóng lạnh tự hay. Giờ đây Ngài là thầy tôi vậy.

     Tổ nói:

     — Nếu được như thế, tất tôi cùng ông đều là học trò của Hoàng Mai. Nên tự giữ gìn cho khéo.

 

  • LỜI BÀN:

Có thể nói Lục Tổ vì việc nhà quá gấp. Lão bà cưng con cháu, như trái vải đầu mùa, lộ vỏ bỏ hột nhét vô  miệng cho, chỉ việc nuốt một cái là xong.

  

  • KỆ TỤNG:

Vẽ không ra chừ, tả không được,

Khen chẳng đến chừ, đành phải thôi.

Mặt mũi xưa nay không chỗ dấu,

Dù tan thế giới vẫn không phai.


[1] Lục Tổ: (638-713) Tức Huệ Năng, Tổ thứ 6 của Thiền Tông Trung Hoa. Họ Lô, người Lĩnh Nam, sinh ngày 8 tháng 2 năm Mậu Tuất, đời Đường Thái Tông. Đến học đạo với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, không biết chữ, được giao việc gỉa gạo trong chùa. 8 tháng sau, nhân Ngài hoạ lại một bài kệ của Thần Tú, được Ngũ Tổ truyền y bát. Đắc Pháp xong, về tu tại núi Đại Diễu Lĩnh. 16 năm sau, về núi Tào Khê và ở luôn đấy trong 38 năm, thuyết giáo ở đất Triệu Châu và Quảng Châu, truyền pháp môn Đốn ngộ Diệu tu và giảng bộ Pháp Bảo Đàn Kinh là Bộ Kinh duy nhất được kể vào tạng Kinh mà không phải do Phật dạy. Điểm đặc biệt là suốt trong thời gian học với Ngũ Tổ, được truyền y bát, làm Lục Tổ, sống 16 năm ẩn dật, ngài vẫn là Cư sĩ.

[2] Huệ Minh: Sách chép trước khi xuất gia, Huệ Minh vốn là một võ tướng đệ tứ phẩm của triều đình, tánh tình nóng nảy bộc trực. Thuộc hàng thượng toạ trong môn đệ của Ngũ Tổ. Dẫn đầu trong số những người đuổi theo ngài Huệ Năng để dành y bát.

[3] Hành giả: Người tu hành, y theo Kinh, Luật, Luận mà giữ gìn, học hỏi, suy xét. Theo một nghĩa chuyên biệt, danh từ này dùng để chỉ riêng cho những người tu học ở chùa nhưng chưa thọ giới.

[4] Khai thị: Mở ra cho thấy. Mục đích hành hoá của chư Phật ở thế gian có thể tóm lược trong bốn chữ Khai, Thị, Ngộ, Nhập. (Mở ra, cho thấy, để chúng sinh ngộ lẽ và thể nhập).

[5] Hoàng Mai: (610-674) Tức Hoằng Nhẫn, Tổ thứ 5 của Thiền Tông Trung Hoa. Xuất gia lúc 7 tuổi, học đạo với Tứ Tổ Đạo Tín trong 30 mươi năm. Đắc pháp xong, đến núi Bằng Mẫu ở đất Hoàng Mai tu tập và dạy chúng. Đệ tử ngài có đến 700 người, hai vị ưu tú nhất là Huệ Năng (638-713) và Thần Tú (606-706).