Đệ Nhị Thập Ngũ Tắc (Bài Thứ Hai Mươi Lăm)

ĐỆ NHỊ THẬP NGŨ TẮC

TAM TOÀ THUYẾT PHÁP

 

  • CỬ:

Ngưỡng Sơn hoà thượng, mộng kiến vãng Di Lặc sở, án đệ tam toà. Hữu nhất tôn giả bạch chuỳ vân:

       —  Kim nhật đương đệ tam hoà thuyết pháp.

Sơn nãi khởi bạch chuỳ vân:

       —  Ma Ha Diễn pháp ly tứ cú, tuyệt bách phi. Đế thính, đế thính.

 

  • BÌNH:

Thả đạo thị thuyết pháp bất thuyết pháp? Khai khẩu tức thất, bế khẩu hựu táng. Bất khai, bất bế, thập vạn bát thiên.

  

  • TỤNG:

Bạch nhật thanh thiên,

Mộng trung thuyết mộng.

Niết quái, niết quái,

Cuống hô nhất chúng.

   

BÀI THỨ HAI MƯƠI LĂM

TOÀ THỨ BA NÓI PHÁP

 

  • CÔNG ÁN:

Hoà thượng Ngưỡng Sơn[1] nằm mơ thấy đến chỗ Phật Di Lặc, ngồi toà thứ ba. Có một tôn giả bạch chuỳ thưa:

       — Hôm nay đến phiên toà thứ ba thuyết pháp.

Sư liền đứng dậy bạch chuỳ nói:

       — Pháp Ma Ha Diễn[2] rời bốn câu lý luận dứt hết trăm cách phủ nhận[3]. Nghe cho kỹ, nghe cho kỹ.

    

  • LỜI BÀN:

Thử hỏi đó là nói pháp hay không nói pháp? Mở miệng là sai, ngậm miệng là mất. Không mở không ngậm, mười vạn tám ngàn.

 

  • KỆ TỤNG:

Ban ngày ban mặt,

Trong mộng nói mơ.

Nghĩ bậy, nghĩ bậy,

Lừa bác, gạt cô.


[1] Ngưỡng Sơn: (844-890) Pháp danh Huệ Tịch. Xuất gia lúc 17 tuổi, thọ học và đắc pháp với ngài Linh Hựu ở Quy Sơn. Sau đến núi Ngưỡng Sơn tỉnh Giang Tây lập Thiền đường dạy chúng. Cùng thầy là Quy Sơn, được xem là Tổ giòng Quy Ngưỡng.

[2] Ma Ha Diễn: Mahâyana, Đại thừa, nghĩa là cổ xe lớn, chở hết chúng sinh. Theo nghĩa ấy, người tu phải Đại thừa quyết sẽ thành Phật và quyết độ cho tất cả chúng sinh.

[3] Bốn câu lý luận, trăm cách phủ định: Bốn câu (Tứ cú), bốn thế lý luận: có, không, vừa không vừa có, không phải có không phải không…Trăm cách phủ định (Bách phi), chỉ mọi lối phủ định. Thuật ngữ Tứ cú bách phi thường dùng để chỉ cho những khả năng tối đa của lý luận danh ngôn khi muốn nêu trỏ thực tại tuyệt đối.