Đệ Nhất Tắc (Bài Thứ Nhất)

ĐỆ NHẤT TẮC

TRIỆU CHÂU CU TỬ

 

  • CỬ:

Triệu Châu hoà thượng nhân tăng vấn:

            Cẩu tử hoàn hữu Phật tính dã vô?

Châu vân:

            Vô.

 

  • BÌNH:

Tham Thiền tu thấu Tổ sư quan, diệu ngộ yêu cùng tâm lộ tuyệt. Tổ quan bất thấu, tâm lộ bất tuyệt, tận thị y thảo phụ mộc tinh linh.

Thả đạo như hà thị Tổ sư quan? Chỉ nhất cá Vô tự, nãi tông môn nhất quan dã, toại mục chi viết Thiền tông Vô Môn Quan. Thấu đắc quá giả, phi đản thân kiến Triệu Châu, tiện khả dữ lịch đại Tổ sư, bả thủ cộng hành, my mao tư kết, đồng nhất nhãn kiến, đồng nhất nhĩ văn. Khởi bất khánh khoái? Mạc hữu yêu thấu quan để ma?

Tương tam bách lục thập cốt tiết, bát vạn tử thiên hào khiếu, thông thân khởi cá nghi đoàn, tham cá Vô tự, trú dạ đề tê. Mạc tác hư vô hội, mạc tác hữu vô hội. Như thôn liễu cá nhiệt thiết hoàn tương tự, thổ hựu thổ bất xuất. Đãng tận tùng tiền ố tri ố giác, cửu cửu thần thục, tự nhiên nội ngoại đã thành nhất phiến. Như á đắc mộng, chỉ hứa tự tri.

Mạch nhiên đả phát, kinh thiên động địa như đoạt đắc Quan Tướng Quân đại đao nhập thủ, phùng Phật sát Phật, đắc đại tự đại, hướng lục đạo tứ sanh trung, du hí tam muội.

Thả tác ma sinh đề tê? Tận bình sinh khí lực, cử cá Vô tự. Nhược bất gián đoạn, hảo tự pháp chúc, nhất điểm tiện trứ.

 

  • TỤNG

Cẩu tử Phật tính,

Toàn đề chính lệnh,

Tài thiệp hữu vô,

Táng thân thất mệnh.

 

 

BÀI THỨ NHẤT

CON CHÓ CỦA TRIỆU CHÂU

 

  • CÔNG ÁN:

Một ông tăng hỏi hoà thượng Triệu Châu[1]:

             Con chó có Phật tính không?

Sư đáp:

             Không.

  • LỜI BÀN:

Tham Thiền phải qua lọt cửa Tổ, diệu ngộ phải dứt tuyệt đường tâm. Cửa Tổ không lọt, đường tâm không dứt thì cũng như bóng ma nương nhờ cây cỏ.

Thử hỏi cửa Tổ là gì? Chỉ một chữ Không[2] chính là cửa ấy, bèn gọi là Vô Môn Quan của Thiền tông vậy. Qua được cửa ấy, chẳng những thấy được Triệu Châu mà còn cùng các Tổ xưa, nắm tay chung bước, thâm sâu giao kết, cùng một mắt mà thấy, một tai mà nghe. Há chẳng thú sao? Há chẳng ai muốn qua cửa ấy sao?

Hãy tận dụng ba trăm sáu mươi xương cốt, tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông[3], vận dụng cả thân tâm khởi thành một mối nghi. Chớ nên cho Không là Không theo nghĩa trống rỗng, chớ nên cho Không là Không theo nghĩa có, không. Như nuốt phải hòn sắt nóng, muốn nhả mà nhả không ra. Bỏ hết cái biết tệ hại trước kia, lâu ngày thành thuần thục, tự nhiên trong ngoài thành một khối. Như kẻ câm nằm mộng chỉ mình mình hay.

Bỗng nhiên bộc phát, trời kinh đất chuyển, như đoạt được vào tay thanh đại đao của Quan Vũ[4], gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, dửng dưng với bờ sinh tử, rong chơi chốn lục đạo[5], tứ sinh[6].

Vậy thử hỏi làm sao nghiền ngẫm? Hãy dùng hết sức lực mà nêu chữ Không ấy. Nếu chẳng gián đoạn, khác nào ngọn đuốc Pháp, mới châm nhẹ đã cháy bừng.

  • KỆ TỤNG:

Chó cùng Phật tính

Nêu toàn chỉ thẳng.

Vừa nói có, không,

Bỏ thân mất mạng.

 


[1] Triệu Châu: (778-897) Pháp danh Tùng Thẩm, người Tào Châu, họ Hác, thọ học và đắc pháp với ngài Nam Tuyền ở Nhữ Dương. Sau làm chủ ngôi Quan Âm Viện ở phía Nam đất Triệu Châu. Mất năm 120 tuổi, được triều đình sắc phong là Chơn Tế Đại Sư.

[2] Không: Nhiều sách dịch để là Vô. Chúng tôi thấy không cần thiết phải như thế. Vấn đề không phải nằm ở chữ Vô của Hán Việt, Wu của Trung Hoa hay Mu của Nhật Bản.

[3] Ba trăm sáu mươi xương cốt, tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông. Đây chỉ là những con số tượng trưng.

[4] Quan Vũ: tức Quan Vân Trường, anh hùng đời Tam Quốc, theo giúp nhà Hán chống với Ngô, Ngụy, mất năm 220, lúc sinh thời nổi danh với tiết tháo và tài sử dụng cây Thanh Long đao.

[5] Lục đạo: 6 đường ở chốn Luân hồi. Theo Phật học, chúng sanh tuỳ theo nghiệp quả của mình mà chuyển sanh vào lục đạo: Thiên (trời), A tu la (thần), Nhân (người), Địa Ngục, Ngạ quỷ (quỷ sói), Súc sanh (thú vật).

[6] Tứ Sinh: 4 cách sinh ra trong lục đạo: Noãn sinh (do trứng nở). Thai sinh (do bào thai), Thấp sinh (do nơi ẩm ướt), Hoá sinh (do biến hoá).