Lời Mở Đầu Vô Môn Quan

Li m đu

     Ngài Vô Môn, pháp danh Huệ Khai, sinh năm 1183, vào khoảng cuối đời Tống. Ngài đến tham học Thiền Sư Nguyệt Lâm tại chùa Vạn Thọ. Nguyệt Lâm là môn sinh đời thứ 8 của Dương Kỳ, thuộc giòng Lâm Tế. Ngài được Nguyệt Lâm cho tham chữ Vô. Qua sáu năm công phu vẫn chưa khai thông được, Ngài phẫn chí, thề quyết không ngủ cho đến khi nào vỡ lẽ mới thôi. Sau vì quá buồn ngủ, Ngài đi lửng thửng ngoài hành lang, mệt mỏi tựa đầu vào một cây cột, bỗng nghe tiếng trống ngọ đánh, bất giác lĩnh ngộ.

     Ngài mừng quá, chạy đến tìm gặp Nguyệt Lâm, toan trình điều sở ngộ. Nguyệt Lâm vừa trông thấy vụt hỏi:

 « Chạy đi đâu mà như bị ma đuổi vậy? ». Ngài liền quát một tiếng. Nguyệt Lâm cũng quát một tiếng. Hai bên cùng ứng đáp như thế. Sau đó Ngài ứng khẩu đọc bài kệ rằng:

 Vô Vô Vô Vô Vô

Vô Vô Vô Vô Vô

Vô Vô Vô Vô Vô

Vô Vô Vô Vô Vô.

  

T T

     Phật ngữ tâm vi tông, vô môn vi pháp môn. Ký thị vô môn, thả tác ma sinh thấu? Khởi bất kiến đạo: Tùng môn nhập giả, bất thị gia trân, tùng duyên đắc giả, thỉ chung thành hoại. Nhậm ma thuyết thoại, đại tự vô phong khởi lãng, hảo nhục oan sang. Hà huống trệ ngôn cú mịch giải hội, điệu bổng đả nguyệt, cách ngoa ba dương, hữu thậm giao thiệp!

     Huệ Khai, Thiệu Định Mậu Tý hạ, thủ chúng vu Đông Gia Long Tường. Nhân nạp tử thỉnh ích, toại tương cổ nhân công án, tác sao môn ngoã tử, tuỳ cơ dẫn đạo học giả. Cách nhĩ sao lục, bất giác thành tập. Sơ bất dĩ tiền hậu tự liệt. Cộng thành tứ thập bát tắc, thống viết Vô Môn Quan.

     Nhược thị cá hán, bất cố nguy vong, đơn đao trực nhập, bát tý Na Tra lan tha bất trụ, túng sử Tây Thiên tứ thất, Đông Độ nhị tam chỉ đắc vọng phong khất mạng. Thiết hoặc trù trừ, dã tự cách song khán mã kỵ, trác đắc nhãn lai, tảo dĩ tha quá.

 

                Đại đạo vô môn,

                Thiên sai hữu lộ.

                Thấu đắc thử quan,

                Càn khôn độc bộ.

 

TA CA VÔ MÔN

    

Phật dạy tâm là gốc, không cửa là cửa pháp. Đã không cửa, làm sao qua? Há chẳng nghe: Từ cửa mà vào thì không là đồ gia bảo, nhờ duyên tạo được tất phải có trước có sau, có thành hoại. Nói như vậy, thiệt chẳng khác chi khi không dậy sóng, thịt da đang lành đem ra mổ mụt. Huống chi chấp vào văn tự để mong tìm lý giải quơ đùi đập trăng, gãi ngứa ngoài giày, ăn nhằm chi đâu?

     Huệ Khai[1] tôi, vào năm Thiệu Đình[2], Mậu tý, mùa hạ, thủ chúng[3] tại chùa Long Tường, huyện Đông Gia, nhân tăng chúng tham hỏi, bèn lấy công án[4] của người xưa, mượn làm viên ngói kêu cửa, tuỳ căn cơ người học mà dẫn dắt. Sau cùng sao lục lại mà nên tập. Mới đầu chưa có bố cục trước

 

XII

 sau, cộng chung được 48 bài, nay gọi chung là Vô Môn Quan.

     Nếu có kẻ gan dạ, không màng chi đến nguy vong một đao vô thẳng thì Na Tra[5] tám tay giữ lại không nỗi, mà dù cho đến Tây thiên hăm tám vị[6], Đông độ sáu Tổ[7] cũng chỉ còn cách nép mình xin tha mạng. Còn cứ chần chờ, khác chi đứng trong nhà nhìn ngựa qua song cửa, vừa chớp mắt, việc đã vù qua.

Đạo lớn không cửa,

                Ngàn sai có đường.

                Cửa kia qua được,

                Đất trời riêng bước.

  

XIII

 

Sách chép Ngài thường ăn mặc rách rưới lôi thôi, tánh tình khiêm cung hoà nhã, đặc biệt lời nói thì sắc bén thâm trầm.

Năm 64 tuổi, Ngài lập am riêng để tịnh cư, nhưng học giả bốn phương vẫn thường đến tham thính không ngớt. Ngài được vua Tống vời vào nội cung giảng pháp và làm lễ cầu mưa. Nhân đó Ngài được nhà vua tặng hiệu Phật Nhãn.

Ngài tịch năm 1260, thọ 78 tuổi.

Cuốn Vô Môn Quan được Ngài soạn vào năm 46 tuổi, khi Ngài làm thủ toạ ở chùa Long Tường. Trước Vô Môn Quan chừng 100 năm trong Thiền tịch cũng xuất hiện một bộ sách lớn là Bích Nham Lục do Viên Ngộ, giòng Lâm Tế, bình xướng 100 bài tụng của Tuyết Đậu (thầy của Thảo Đường, Tổ giòng Thảo Đường Việt Nam) về 100 công án mà thành. Sau này, khi nhắc đến Thiền tịch thì không ai có thể bỏ qua hai bộ sách được truyền bá rộng rãi nhất là Bích Nham Lục và Võ Môn Quan. Sở dĩ như thế là vì ngoài giá trị tu chứng của tác giả , thể cách hình thành của hai bộ sách cũng bao hàm đầy đủ những yếu tố dẫn dắt cần thiết cho người hành giả trong hoàn cảnh tự học.

XIV

Người ta thường bảo Bích Nham Lục

thiên về văn, Vô Môn Quan thiên về lý. Quả vậy, lời lẽ Vô Môn Quan sắc bén, hàm súc vô cùng, tuy nhiên cũng không vì thế mà văn chương khô khan nhàm chán.

Chúng tôi là kẻ hậu học, tuy kiến thức chữ nghĩa và thực lực hành trì chẳng bao nhiêu, cũng đem hết sức mình dịch cuốn Vô Môn Quan này ra Việt ngữ, gọi là để đóng góp vào công cuộc chấn hưng Thiền học hiện nay.

Vì lợi ích của giới sơ học nói chung trong đó có chính bản thân dịch giả, ước mong những bậc cao minh trộng lòng chỉnh bố cho những khuyết điểm tất không tránh khỏi trong bản dịch này.

                                          Trọng thu 71

 

                                      Trần Tuấn Mẫn


[1] Huệ Khai: Pháp danh của Vô Môn.

[2] Thiệu Định: Niên hiệu vua Tống Lý Tông, năm 1228, lúc ấy Vô Môn 46 tuổi.

[3] Thủ chúng: Đứng đầu tăng chúng, thay thầy dẫn dắt chỉ dạy trong một tự viện.

[4] Công án: những mẩu chuyện, hoặc lời nói, hoặc cử chỉ… có vẻ khó hiểu như những nghi án, thường được giới học Thiền dùng làm phương tiện tạo mối nghi tình trọn vẹn trong tâm thức, một chuẩn bị tất yếu làm cơ duyên đưa đến sự biến thông vào trí tuệ tự tại.

[5] Na tra: Con đầu lòng của Vaisravana, là một quỷ vương 3 mặt 8 tay.

[6] Tây Thiên hăm tám vị: 28 vị Tổ Thiền ở Ấn Độ, kể từ Phật Thích Ca, đến Ca Diếp, A Nan… cho đến Bồ Đề Đạt Ma.

[7] Đông Độ sáu tổ: 6 vị Tổ Thiền ở Trung Hoa: Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, Huệ Năng.