Lời Cuối Sách Vô Môn Quan

HẬU TỰ

Tùng thượng Phật Tổ thuỳ thị cơ duyên, cứ khoản kết án. Sơ vô thặng ngữ, yết phiên não cái, lộ xuất nhãn tinh. Khẳng yêu trực hạ thừa đương, bất tùng tha mịch. Nhược thị thông phương thượng sĩ, tài văn cử trước tiện tri lạc xứ, liễu vô môn hộ khả nhập, diệc vô giai cấp khả thăng. Điệu tỵ độ quan, bất vấn quan lại. Khởi bất kiến Huyền Sa đạo: « Vô môn giải thoát chi môn, vô ý đạo nhân chi ý.” Hựu Bạch Vân đạo: « Minh minh tri đạo, chỉ thị giả cá, vị thậm ma thấu bất quá?»

Nhậm ma thuyết thoại, đã thị xích thổ độ ngưu nãi. Nhược thấu đắc vô môn quan, tảo thị độn trí Vô Môn. Nhược bất thấu đắc vô môn quan, diệc nãi cô phụ tự kỷ. Sở vị Niết Bàn tâm dị hiểu, sai biệt trí nan minh. Minh đắc sai biệt trí, gia quốc tự an ninh.

Thời Thiệu Định cải nguyên giải chế tiền ngũ nhật

Dương Kỳ bát thế tôn Vô Môn Tỳ Kheo Huệ Khai cẩn chí

 

LỜI CUỐI SÁCH

Từ xưa, những cơ duyên truyền dạy của Phật và chư Tổ đều là ngay đâu chỉ đó, vốn không có lời thừa, cốt lột sọ mở mắt cho người nghe, chỉ cần người học ngay đó mà nhận lãnh, khỏi tìm kiếm đâu xa. Kẻ linh lợi vừa nghe nêu lời là đã biêt ý trỏ vào đâu. Tuyệt chẳng ngỏ ngách, cũng không tầng bậc. Vẫy tay qua ải, khỏi hỏi phép quan. Há chẳng nghe Huyền Sa[1] bảo: « Không cửa là cửa giải thoát, không ý là ý người đạo. » Và Bạch Vân[2] bảo: « Biết rõ làu làu rằng chỉ là cái đó, sao qua chẳng lọt? » Nói như vậy lại cũng chỉ như đất đỏ nhồi sữa mà thôi. Qua được cửa « vô môn, » sớm đã là thiệt thòi cho Vô Môn tôi. Còn nếu không qua được, thì lại cô phụ tự mình. Cho nên nói: « Tâm Niết Bàn dễ tõ, trí sai biệt[3] khó sáng. » Trí sai biệt đã sáng, nhà nước tự bình yên.

 

5 hôm trước ngày giải hạ, đầu niên hiệu Thiệu Định

 

Đệ tử thới thứ 8 giòng Dương Ký,

Tỳ kheo Huệ Khai Vô Môn cẩn chí


[1] Huyền Sa: (835-905) Pháp hiệu Tông Nhất, tên Bị, người đời Đường ở Phúc Châu, núi Huyền Sa. Thuở nhỏ đánh cá, 30 tuổi xuất gia. Đắc pháp với Tuyết Phong. Có hơn 800 đồ chúng.

[2] Bạch Vân: (1045-1073) Pháp hiệu Thủ Đoan, người đời Tống, ở Thư Châu, núi Bách Vân, thầy của Thiền Sư Ngũ Tổ (1019-1099).

[3] Trí sai biệt: Một công năng cùa trí tuệ tự tại, riêng để soi chiếu các tướng sai biệt của sự vật.