Đệ Nhị Tắc (Bài Thứ Hai)

ĐỆ NHỊ TẮC

BÁCH TRƯỢNG DÃ HỒ

  • CỬ:

Bách Trượng hoà thượng phàm tham thứ, hữu nhất lão nhân thường tuỳ chúng thính pháp. Chúng nhân thối, lão nhân diệc thối. Hốt nhất nhật bất thối.

Sư toại vấn:

— Diện tiền lập giả, phục thị hà nhân?

Lão nhân vân:

— Nặc, mỗ giáp phi nhân giả. Ư quá khứ Ca Diếp Phật thòi, tằng trụ thử sơn. Nhân học nhân vấn: « Đại tu hành để nhân hoàn lạc nhân quả dã vô? » Mỗ giáp đối vân: « Bất lạc nhân quả. » Ngũ bách sinh đoạ dã hồ thân. Kim thỉnh hoà thượng đại nhất chuyển ngữ quỷ thoát dã hồ.

Toại vấn:

— Đại tu hành để nhân hoàn lạc nhân quả dã vô?

Sư vân:

— Bất muội nhân quả.

Lão nhân ư ngôn hạ đại ngộ. Tác lễ vân:

— Mỗ giáp dĩ thoát dã hồ thân, trụ tại sơn hậu, cảm cáo hoà thượng khất y vong tăng sự lệ.

Sư lệnh duy na bạch chuỳ cáo chúng, thực hậu tống vong tăng.

Đại chúng ngôn nghị:

— Nhất chúng giai an, Niết bàn đường hựu vô nhân bệnh, hà cố như thị.

Thực hậu chỉ kiến Sư lĩnh chúng chí sơn hậu nham hạ, dĩ trượng thiêu xuất nhất tử dã hồ, nãi y hoả táng.

Sư chí vãn thượng đường, cử tiền nhân lực. Hoàng Bá tiện vấn:

— Cổ nhân thác chi đối nhất chuyển ngữ, đoạ ngũ bách sinh dã hồ thân. Chuyển chuyển bất thác, hợp tác cả thậm ma?

Sư vân:

— Cận tiền lai, dữ y đạo.

Hoàng Bá toại cận tiền, dữ Sư nhất chưởng. Sư phách thủ tiến vân:

— Tương vị Hồ tu xích, cánh hữu xích tu Hồ.

  • BÌNH:

Bất lạc nhân quả, vị thậm đoạ dã hồ? Bất muội nhân quả vị thậm thoát dã hồ? Nhược hướng giả lý trước đắc nhất chích nhãn, tiện tri đắc tiền Bách Trượng, doanh đắc phong lưu ngũ bách sinh.

  • TỤNG:

Bất lạc bất muội,

Lưỡng thái nhất tái.

Bất muội bất lạc,

Thiên thác vạn thác.

BÀI THỨ HAI

CON CHỒN HOANG CỦA BÁCH TRƯỢNG

  • CÔNG ÁN:

Mỗi khi hoà thượng Bách Trượng[1] giảng pháp, có một lão già thường theo tăng chúng vào nghe. Chúng lui, lão cũng lui. Bỗng một hôm lão không lui:

Sư bèn hỏi:

— Người nào đứng đó?

Lão già đáp:

— Thưa, tôi vốn chẳng phải người. Xưa, thời Phật Ca Diếp[2], tôi đã ở núi này, nhân có học tăng hỏi: « Bậc đại tu hành còn rơi vào nhân quả không?». Tôi đáp: « Không rơi vào nhân quả ». Bèn bị đoạ làm thân chồn hoang năm trăm kiếp. Nay xin hoà thượng cho lời chuyển ngữ[3] để tôi thoát kiếp chồn hoang.

Bèn hỏi:

— Bậc đại tu hành còn rơi vào nhân quả không?

Sư đáp:

— Chẳng che mờ nhân quả.

Lão già nghe xong đại ngộ, sụp lạy nói:

— Tôi đã thoát thân chồn hoang, còn ở sau núi, dám xin hoà thượng xếp đặt cho theo lệ tăng chết.

Sư bảo thầy duy na[4] bạch chuỳ[5] bảo tăng chúng ăn xong sẽ làm lễ táng tăng.

Tăng chúng đều bàn:

— Mọi người đều an lành, Niết bàn đường[6] không có ai đau ốm, sao lại có chuyện như vậy?

Dùng ngọ xong, chỉ thấy sư dẫn tăng chúng đến sau hốc núi, dùng trượng khều ra một xác chồn hoang rồi đem hoả táng.

Tối đến Sư thượng đường[7], kể chuyện lại cho mọi người nghe, Hoàng Bá[8] mới hỏi:

— Người xưa vì đáp sai một lời chuyển ngữ mà bị đoạ làm thân chồn hoang năm trăm kiếp. Giả như câu nào cũng không đáp sai thì sao?

Sư nói:

— Lại gần đây ta nói cho nghe.

Hoàng Bá lại gần, tát Sư một chưởng. Sư vỗ tay cười nói:

— Tưởng râu tên Hồ thì đỏ, lại gặp tên Hồ đỏ râu.

  • LỜI BÀN:

Chẳng rơi vào nhân quả, sao lại đoạ kiếp chồn hoang? Chẳng che mờ nhân quả, sao lại

thoát kiếp chồn hoang? Nếu ngó thấy chỗ đó thì hiểu được Bách Trượng xưa, lợi được năm trăm kiếp phong lưu.

  • KỆ TỤNG:

Chẳng rơi chẳng mờ

Đôi bề đua đối.

Chẳng mờ chẳng rơi,

Ngàn sai vạn lỗi.

 

 


[1] Bách Trượng: (720-814), Pháp danh Hoài Hải, đắc pháp với ngài Mã Tổ sau 11 năm tu học. Vào núi Bách Trượng lập thiền đường dạy chúng. Nổi danh là người trọng giới luật, luôn luôn cần cù làm việc, xem cần lao cũng là pháp hạnh. Soạn bộ Bách Trượng Thanh Quy, ngày nay còn đang được áp dụng ở các chùa thiền.

[2] Phật Ca Diếp: Caçyapa, một trong bảy vị Phật đời Quá khứ và là vị Phật thứ ba trong bốn vị Phật ở Hiền kiếp. Xem chú thích số 113.

[3] Chuyển ngữ: Lời đáp mà đón bắt được lời hỏi, đồng thời dung thông, chuyển hoá lời hỏi một cách viên mãn tự tại. Chữ Lời ở đây gồm mọi sự thể hiện chứ không riêng gì do miệng phát ra.

[4] Duy na: Karmadana, Kiết ma đà na, chức vụ coi sóc mọi việc ở giáo hội, ở chùa, quản lý cả sự và pháp. Còn gọi là tri sự hay thụ sự

[5] Bạch chuỳ: Bạch là báo cho biết. Chuỳ, lấy trong chữ châm chuỳ. Châm là cái cối hình trụ bát giác. Chuỳ là cái chày làm theo khuông cái châm, dùng để đánh vào châm. Tiếng Bạch chuỳ rất thông dụng ở nhà chùa, có nghĩa là dùng chuỳ gỗ vào châm để báo cho tăng chúng biết một việc gì.

[6] Niết Bàn đường: Nơi nghỉ ngơi và chửa trị của tăng chúng bệnh nặng trong một tự viện.

[7] Thượng đường: Bước lên giảng đường để nói pháp.

[8] Hoàng Bá: (?-850) Pháp danh Hy Vận. Học trò của ngài Bách Trượng và là thầy của Lâm Tế. Trước tu ở chùa Kiến Phúc, sau đổi ra chùa Vạn Phúc tại núi Hoàng Bích. Sau lại đến tu ở chùa Đại An, núi Thứu Phong, tỉnh Giang Tây và đổi núi này thành núi Hoàng Bá.